Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Bà Clinton đã giấu bệnh

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới nhất, ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton thừa nhận đã giấu kín thông tin bị bệnh.

Trong buổi trả lời phỏng vấn vào tối 12-9 (giờ nước Mỹ), bà Hillary cho biết đã giữ kín việc bị bệnh đồng thời khẳng định giữ "mức độ minh bạch thông tin về sức khỏe rất cao" và không nghĩ chuyện bị viêm phổi lại "trở thành vấn đề lớn như vậy".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với đài CNN, bà Hillary kể: "Hôm thứ sáu 9-9, các bác sĩ khuyên tôi phải nghỉ ngơi năm ngày, nhưng tôi đã không nghe theo lời khuyên rất khôn ngoan này. Vì vậy, giờ đây tôi muốn nhanh chóng hết bệnh và trở lại quỹ đạo làm việc càng sớm càng tốt".

Bà cho biết thêm: "Trong thứ sáu tôi đã đến bác sĩ và chính lúc này đã được chẩn bệnh viêm phổi. Rõ ràng tôi nên nghỉ ngơi sớm hơn. Lẽ ra tôi đã khỏe hơn nếu như hủy kế hoạch trong ngày thứ sáu nhưng cũng như nhiều người khác, tôi nghĩ rằng cứ tiếp tục làm việc và lướt qua bệnh. Nhưng mọi thứ đã không suôn sẻ".

Tờ New York Times dẫn lời từ những người thân cận của bà Hillary cho biết bà đã tự tin sẽ hồi phục trong khoảng thời gian cuối tuần qua bởi kế hoạch làm việc lúc đó không căng.

Ông Robby Mook, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary, khẳng định với trang MSNBC: "Bà ấy muốn lướt qua bệnh để làm việc và tôi cho rằng đây là một biểu hiện cho thấy bà ấy sẽ là một tổng thống cừ khôi".

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton từng thừa nhận có bị mất nước và trải qua tình trạng tương tự như hôm sáng 11-9. Khi CNN hỏi lại điều này, bà Clinton trả lời: "Tôi nhớ chính xác rằng chỉ hai lần từng bị như vậy".

Bà Clinton nói thêm: "Điều này từng xảy ra vài lần trong đời và tôi luôn ý thức được khi nó ập đến và thường vượt qua thành công. Điều thật sự xảy ra trong ngày 11-9 là vì trong cương vị một nghị sĩ, tôi quá muốn đến tham dự buổi tưởng niệm. Tôi thấy bị sốc nóng và quyết định phải rời đi. (...) Giờ tôi đã thấy khỏe và phải thực hiện lời khuyên của bác sĩ mà tôi đã bỏ qua từ hôm thứ Sáu, đó là nghỉ ngơi để hoàn toàn hết viêm phổi".

Mới nhất, bà Hillary Clinton viết trên trên Twitter kèm chữ ký H để chứng tỏ chính tay chia sẻ dòng trạng thái: "Cũng như tất cả những người nghỉ bệnh, tôi rất háo hức được trở lại sớm".

Theo Đ.K.L.

Tuổi trẻ

Đọc tiếp »

Mỹ có thể mất 1.000 tỷ USD vì Donald Trump

Nếu Trump được bầu làm Tổng thống và những chính sách của ông được thông qua, Oxford Economics dự kiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm đáng kể và đến năm 2019 sẽ rơi xuống gần mức 0%.

Nếu Đảng Cộng hòa giành được chiến thắng trong vòng đấu quyết định vào tháng 12/2016, khi đó dĩ nhiên Donald Trump sẽ thay thế vị trí của ông Barack Obama tại Nhà Trắng. Nhưng theo giới kinh tế học tại công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định, thắng lợi của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ mất đi 1.000 tỷ USD đến năm 2021.

Trong khi đó, Oxford Economics cho rằng một loạt chính sách diều hâu của ông Trump bao gồm biện pháp bảo hộ thương mại, cắt giảm thuế và trục xuất hàng loạt dân nhập cư bất hợp pháp – mà dự kiến sẽ được “làm mềm đi” sau khi thảo luận với Quốc hội – có thể dẫn đến những hậu quả ngược.

“Liệu Quốc hội có nên trao phần thắng cho những đề án chính sách của ông Trump hay không? Nếu như vậy, hậu quả có thể khó lường. GDP Mỹ có thể giảm 5% so với mức trung bình, tốc độ tăng trưởng toàn cầu cũng không thể phục hồi như dự kiến”. Oxford Economics cho biết.

Oxford Economics là công ty dịch vụ tư vấn độc lập trên toàn cầu, có trụ sở tại Oxford, England và nhiều văn phòng chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới bao gồm Chicago, Miami, Philadelphia, San Francisco và Washington.

Ngay sau khi phía này đưa ra chỉ trích, nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã không có đòn đáp trả nào. Tuy nhiên tại hội nghị tranh cử ở Clive, Iowa hôm qua, ông Trump đã khẳng định ông sẽ đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng.

Ông cam kết sẽ phục hồi ngành sản xuất của Mỹ bằng cách ngăn chặn các công ty có quốc tịch Mỹ như Apple sản xuất hàng tại nước ngoài, thiết lập lại đàm phán thương mại toàn cầu và giảm thuế liên bang cùng với bộ quy định liên quan.

“Chúng tôi hứa sẽ đem đến cho tất cả những người dân Mỹ cơ hội, phồn vinh và an ninh”. Trump tuyên bố.

Chiếu theo đà tăng trưởng như hiện nay, Oxford Economics dự kiến GDP Mỹ sẽ tăng khá ổn định trong khoảng 2% từ năm 2017 (tức sau khi Mỹ có Tổng thống mới) và chạm mốc 18.500 tỷ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, nếu Trump được bầu làm Tổng thống và những chính sách của ông được thông qua, Oxford Economics dự kiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm đáng kể và đến năm 2019 sẽ rơi xuống mức tiệm cận 0%. Khi đó, tổng GDP Mỹ sẽ giảm xuống còn 17.500 tỷ USD.

Trump có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để làm sao những chính sách của ông có thể giành được tấm vé ủng hộ từ Quốc hội. Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng chính sách thuế nới lỏng thực chất có thể giúp kích thích tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ mới đây nhất cho thấy ông Trump đã vượt lên trước vị cựu thư ký Bộ Ngoại giao, mặc dù khoảng cách là rất sát sao.

Anh Sa

Theo Trí thức trẻ/Reuters

Đọc tiếp »

"Cú trượt chân" tai hại của bà Hillary Clinton

“Cú trượt chân” của bà Clinton xảy ra đúng vào thời điểm tai hại nhất, khi mà cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút và khoảng cách (từng khá xa) giữa bà Clinton và ông Trump đang bị thu hẹp.

Đó chỉ là một cú trượt chân của người phụ 68 tuổi đang bị viêm phổi và quá mệt mỏi vì chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng cam go. Ngày 11/9 vừa qua, khi đang tham dự buổi lễ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, bà Clinton đã không thể đứng vững sau khi ho không dứt và cuối cùng không thể tiếp tục tham gia buổi lễ. Nhiều người nói rằng điều này giống như một “món quà lớn” tự nhiên rơi vào tay đối thủ Donald Trump.

Trong video clip nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Twitter, bà Clinton có vẻ như đã ngất đi và ngã vào vòng tay của các vệ sĩ khi bà rời khỏi buổi lễ. Bà được đưa về nhà con gái Chelsea ở gần đó để nghỉ ngơi lấy lại sức.

“Sáng nay, Cựu Ngoại trưởng đã chỉ có 1h30 để dự lễ kỷ niệm, bày tỏ lòng tôn trọng và gửi lời chào đến những gia đình đã mất đi người thân trong thảm họa năm xưa. Bà đã cảm thấy nóng bức quá mức và phải di chuyển đến căn hộ của con gái ở gần đó. Giờ bà đã cảm thấy tốt hơn rất nhiều”, phát ngôn viên của ứng viên đảng Dân chủ nói.

90 phút sau đó, bà Clinton xuất hiện trở lại trước công chúng. “Tôi cảm thấy rất tuyệt. Hôm nay thật là một ngày đẹp trời ở New York”, bà nói với một đám đông nhỏ.

Bản thông báo từ bác sĩ cá nhân cho thấy bà Clinton đã bị viêm phổi. “Bà ấy đã bị ho do dị ứng. Sau khi đánh giá những cơn ho kéo dài, tôi chuẩn đoán bà ấy bị viêm phổi”, bác sĩ Lisa Bardack nói. “Tôi đã kê thuốc kháng sinh và khuyên bà ấy nên nghỉ ngơi cũng như điều chỉnh lịch trình làm việc cho phù hợp. Sáng nay bà Clinton đã cảm thấy nóng bức quá mức và bị mất nước. Hiện bà đã được tiếp nước và phục hồi khá tốt”.

“Cú trượt chân” của bà Clinton xảy ra đúng vào thời điểm tai hại nhất, khi mà cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút và khoảng cách (từng khá xa) giữa bà Clinton và ông Trump đang bị thu hẹp. Giờ đây mức chênh lệch chỉ còn 3% - gần bằng mức sai số thường thấy của các bảng thống kê.

Tồi tệ hơn, lâu nay vẫn có những thuyết âm mưu cho rằng bà Clinton không đủ sức khỏe để đảm đương vai trò người đứng đầu nước Mỹ. Năm 2012, bà cũng đã xuất hiện với hình ảnh xanh xao và được chuẩn đoán mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Từ đó đến nay bà vẫn luôn trình ra một bệnh án sạch sẽ nhưng Trump và những người ủng hộ ông một mực cho rằng bà Clinton quá yếu.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, Trump nói rằng trên cương vị là Ngoại trưởng Mỹ bà Clinton đã không thể bảo vệ 4 công dân của mình đã thiệt mạng dưới tay những phần tử thánh chiến ở Benghazi năm 2012 bởi vì nguyên nhân đơn giản là bà không có đủ sức khỏe để đối mặt với tình huống khẩn cấp trong đêm. “Thay vì đứng ra chịu trách nhiệm vào đêm hôm đó, Hillary Clinton đã quyết định về nhà đi ngủ. Thật là tồi tệ”, Trump nói.

Trump đã đưa ra những kết luận vô lý và vô nghĩa. Cuộc tấn công ở Benghazi xảy ra vào ban ngày theo giờ Mỹ và theo lời nhiều quan chức thì bà Clinton đã quản lý mọi việc. Tuy nhiên trên thực tế gần một nửa cử tri đảng Cộng hòa đã tin lời Trump nói và nghĩ rằng “cựu Ngoại trưởng đã biết rằng đại sứ quán Mỹ ở Benghazi sắp bị tấn công mà không thể làm gì để bảo vệ công dân Mỹ”.

Bà Clinton cũng có thói quen giữ bí mật và vô tình bị nhiều người đánh giá là mập mờ. Để giải thích cho việc bị FBI điều tra vì sử dụng email cá nhân khi còn làm Ngoại trưởng, bà đã sơ suất sử dụng từ short-circuited. Từ nãy có nghĩa là chập mạch với các thiết bị điện tử nhưng đối với con người thì sẽ có nghĩa là “cảm thấy điên đầu với một việc gì đó”. Trump ngay lập tức mô tả bà Clinton là một con robot “bị chập mạch”.

Khi mà bà Clinton đã 68 tuổi và ông Trump cũng đã thất thập, nỗi lo về sức khỏe của vị Tổng thống tương lai của người Mỹ là chính đáng dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới đi chăng nữa. Bà Clinton sẽ là vị Tổng thống cao tuổi thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau Ronald Reagan – người được cho là đã mắc chứng mất trí nhớ ở cuối nhiệm kỳ bởi ông đã 78 tuổi. Già hơn bà Clinton 2 tuổi, Trump sẽ là vị Tổng thống già nhất nhưng ông đã thể hiện mình có sức khỏe tốt hơn nhiều.

Trong thông báo được đưa ra tháng 12 năm ngoái, ông Trump được chuẩn đoán mắc bệnh về dạ dày. Bác sĩ nói rằng huyết áp và các chỉ số khác “tốt một cách đáng kinh ngạc” và kết luận “nếu đắc cử, Trump có thể trở thành một trong những vị Tổng thống có sức khỏe tốt nhất từ trước đến nay”.

Dù đó là một lời khen có cánh, chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế là sức khỏe không bao giờ là một vấn đề đáng lo, trong khi sức khỏe của bà Clinton thường xuyên được nhắc đến.

Giả sử sức khỏe của bà Clinton có những vấn đề nghiêm trọng hơn những gì bác sĩ đã công bố, quá khứ cho thấy nữ ứng viên này có một sức chịu đựng phi thường. Bà đã đứng dậy mạnh mẽ sau cú sốc lớn về bê bối ngoại tình của ông Clinton. Năm 2008, trong cuộc chạy đua với ông Obama, bà đã chiến đấu kiên cường cho đến giai đoạn cuối cùng và hình ảnh cá nhân cũng đã cải thiện rất nhiều trong mắt công chúng.

Bệnh tật khiến bà Clinton trông khá yếu ớt, và đối với một người phụ nữ thì dấu ấn tuổi tác sẽ càng hằn sâu nhiều hơn so với nam giới. Bà càng khẳng định mình không có vấn đề về sức khỏe thì sự ác cảm càng lớn, đặc biệt là sau sự kiện hôm 11/9 vừa qua.

Nguy hiểm hơn, những tiếng ho của bà càng khiến người ta tin vào những thuyết âm mưu mà Trump và phe của Trump đặt ra. Hàng triệu người Mỹ có thể sẽ phân vân về quyết định của mình sau khi nhìn thấy hình ảnh bà Clinton tái mét vì viêm phổi.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Economist

Đọc tiếp »

Đâu là nguyên nhân gây nên khủng hoảng tài chính?

Có một câu trả lời nhận được nhiều sự chú ý hơn cả dù nó đã xuất hiện từ hàng chục năm trước đó nhưng đã không được đánh giá cao: lý thuyết về bất ổn tài chính của Hyman Minsky.

Xét trên góc nhìn hạn hẹp, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Đó là kết quả của rất nhiều rắc rối đã tích tụ qua thời gian: các ngân hàng không được kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm tín dụng quá ư phức tạp, những mối quan hệ chằng chịt và sự phình to đến mất kiểm soát của thị trường nhà đất.

Chưa bao giờ thế giới chứng kiến các yếu tố ấy kết hợp lại với nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận con đường đi từ những quyết định siêu mạo hiểm đến tình cảnh thị trường tài chính rung lắc đã trở nên quá quen thuộc. Từ những sinh viên đang nghiên cứu về khủng hoảng ngân hàng Mỹ trong thế kỷ 10 cho đến những nhà đầu tư vẫn nhớ như in nỗi đau của châu Á thời kỳ cuối những năm 1990, tất cả đều đi chung một con đường ấy.

Chẳng có cuộc khủng hoảng nào giống cuộc khủng hoảng nào, nhưng khủng hoảng xảy ra thường xuyên đến nỗi chúng ta có thể đoán được những xu hướng đã trở nên quá rõ ràng. Vậy thì, điều gì gây nên khủng hoảng tài chính?

Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này lại là một câu hỏi rất lớn.

Trước khi khủng hoảng 2008 xảy ra, vẫn có những hiện tượng như bong bóng trên thị trường chứng khoán hay một đồng tiền rớt giá thảm hại, nhưng dường như các NHTW đã hành động kịp thời và ngăn chặn được rủi ro hệ thống. Khi đó, tài chính – một nhánh của nền kinh tế - chỉ tập trung vào các chủ đề như định giá tài sản như thế nào.

Khủng hoảng đã thay đổi điều đó. Các nhà kinh tế học, nhà đầu tư các lãnh đạo các NHTW quay trở lại với câu hỏi lớn: điều gì đã gây nên khủng hoảng tài chính?

Trong bối cảnh ấy có một câu trả lời nhận được nhiều sự chú ý hơn cả dù nó đã xuất hiện từ hàng chục năm trước đó nhưng đã không được đánh giá cao: lý thuyết về bất ổn tài chính của Hyman Minsky. Lớn lên trong thời kỳ Đại khủng hoảng, từng ngồi trong hội đồng quản trị của một ngân hàng và chứng kiến một doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định mạo hiểm như thế nào, lời giải thích của Minsky được hình thành từ sự hoài nghi dựa trên kinh nghiệm sẵn có.

Bắt đầu từ việc xem xét cách mà các công ty đầu tư, Minsky cho rằng có 3 loại cấu trúc tài chính. Loại thứ nhất là phòng hộ, cũng là loại an toàn nhất: các công ty có thể hoàn trả nợ bằng lợi nhuận. Họ hạn chế đi vay mượn và có lợi nhuận tốt.

Loại thứ hai là đầu cơ, là loại rủi ro hơn một chút: các công ty có đủ khả năng trả lãi vay nhưng phải đảo nợ gốc, nghĩa là dùng một khoản vay mới để trả gốc khoản vay cũ. Mô hình này hoạt động trơn tru trong điều kiện bình thường nhưng sẽ gặp rắc rối khi kinh tế đi xuống.

Cuối cùng và cũng nguy hiểm nhất là mô hình Ponzi. Khi đó lợi nhuận không đủ để trả cả nợ và lãi, các doanh nghiệp đang đánh cược rằng giá tài sản của họ sẽ tăng còn nếu không thì họ sẽ gặp rắc rối.

Những nền kinh tế đi theo mô hình thứ nhất - có dòng tiền khỏe mạnh và tỷ lệ nợ thấp – sẽ ổn định. Khi nền kinh tế bắt đầu rơi vào trạng thái đầu cơ, đặc biệt là khi Ponzi trở nên phổ biến, chúng mong manh như “ngọn nến trước gió”. Nếu giá tài sản lao dốc, những nhà đầu tư bấn loạn sẽ bán tháo, dẫn đến giá tài sản càng giảm mạnh hơn và vòng tròn luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn, tạo nên tâm lý bầy đàn và tình trạng hỗn loạn còn được gọi là “khoảnh khắc Minsky”.

Nhà đầu tư cũng nên tuân thủ mô hình thứ nhất, nhưng qua thời gian mà đặc biệt là khi nền kinh tế khỏe mạnh, nợ là thứ hấp dẫn mà người ta không thể cưỡng lại được. Khi nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng trưởng, tại sao lại không đi vay nhiều hơn nữa? Các ngân hàng cũng tăng cường cho vay. Minsky đã đi đến kết luận rằng chính quãng thời gian yên bình ổn định sẽ nuôi dưỡng những rạn nứt đầu tiên của hệ thống tài chính.

Minsky đã có một cái nhìn sâu sắc và thấu đáo, nhưng ứng dụng lý thuyết này như thế nào lại là chuyện khác. Nhiều năm nay toán học dường như đã trở thành ngôn ngữ của kinh tế học, và cách tiếp cận định tính của Minsky khiến ông đứng ngoài cuộc chơi.

Kể từ năm 2008, giới học thuật đã cố gắng mang nhiều hơn những tính toán định lượng vào lý thuyết của ông và đã đạt được một số thành công nhất định. Họ chỉ ra thị trường ít biến động trong thời gian dài và tỷ lệ nợ/dòng tiền cao sẽ là những dấu hiệu chính xác như thế nào để tiên đoán một cuộc khủng hoảng.

Còn đối với các nhà hoạch định chính sách, bài học từ Minsky là họ luôn phải cảnh giác, đặc biệt khi mọi thứ đều đang diễn biến tốt. Điều này cũng lý giải tại sao trong vài năm gần đây thế giới lại hào hứng với chính sách cẩn trọng vĩ mô (macro prudential), ví dụ như ép các ngân hàng phải tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Dẫu vậy, giống như Minsky đã nói: khi thời gian yên bình càng kéo dài, lời cảnh báo của ông ngày càng bị đẩy sâu hơn vào dĩ vãng.

Những ý tưởng hữu ích nhất đối với kinh tế học hiện đại

Đâu là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính?

Điểm cân bằng Nash: Chuyện hai tù nhân và những ứng dụng lý thú của kinh tế học trong cuộc sống

Thông tin bất cân xứng: Đâu là chanh, đâu là đào?

Mời quý vị đón đọc:

Bộ ba bất khả thi

Số nhân Keynes

Tự do thương mại sẽ khiến tiền lương của bạn giảm đi?

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Economist

Đọc tiếp »

Anh có thể rời EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại

Nếu kịch bản này xảy ra, Bộ trưởng Davis cho rằng nước Anh sẽ phải quay trở lại với hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 13/9, phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, Bộ trưởng phụ trách vấn đề nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, ông David Davis thừa nhận rằng London có thể sẽ phải rời khỏi liên minh mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào.

Ông lo ngại rằng Anh sẽ không thể thành công trong tiến trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại với EU.

Nếu kịch bản này xảy ra, Bộ trưởng Davis cho rằng nước Anh sẽ phải quay trở lại với hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ông, trong tiến trình đàm phán về Brexit, Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ kiểm soát toàn bộ quyền lực và chi phối mọi việc, chứ không phải giới lãnh đạo các nước thành viên EU.

Hiện EC vẫn giữ quan điểm khá cứng rắn rằng Anh phải chấp nhận quyền tự do di chuyển của công dân EU, nếu muốn tiếp cận thị trường chung. Đây chính là nguy cơ đe dọa đến kết quả đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.

Trong suốt chiến dịch vận động trước cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua, phe ủng hộ Brexit vẫn khẳng định Anh sẽ ký một hiệp định mới với EU dựa trên nền tảng thương mại tự do.

Hạ nghị sỹ Công đảng Chuka Umunna cảnh báo rằng nếu Anh rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào và buộc phải quay trở lại hệ thống thuế quan WTO, hàng hóa xuất khẩu của nước này sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Việc quay trở lại hệ thống thuế quan WTO sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp của Anh, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo ô tô. Sau khi rời EU, ô tô của Anh xuất khẩu sang thị trường này có thể sẽ phải chịu mức thuế 10%.

Hiện Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa chính thức khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi EU, bất chấp các nước thành viên EU thúc giục Anh thực hiện điều này càng sớm cáng tốt. Dự kiến, các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Anh và EU có thể kéo dài ít nhất 2 năm./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc tiếp »

Sau bê bối động trời, Wells Fargo mất ngôi ngân hàng lớn nhất thế giới

Kể từ khi vụ bê bối bị phanh phui đầu tuần trước, giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã sụt giảm 9 tỷ USD.

Sau khi đưa ra kế hoạch cắt giảm mục tiêu doanh thu cho nhân viên kinh doanh ở các chi nhánh, Wells Fargo vừa để mất vị thế là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Kể từ khi vụ bê bối bị phanh phui đầu tuần trước, giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã sụt giảm 9 tỷ USD. Chỉ trong phiên hôm qua, cổ phiếu này đã giảm 3,3% và khiến các cổ đông mất một khoản tiền lớn, trong đó có tỷ phú Warren Buffett.

Hiện Wells Fargo có giá trị vốn hóa đạt 236 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2013 ở mức thấp hơn so với đối thủ JPMorgan Chase. Trong 5 năm vừa qua, Wells Fargo luôn là ngân hàng lớn nhất thế giới nếu tính trong nhóm các nước phát triển.

Động thái hạ mục tiêu doanh số của Wells Fargo vốn là một biện pháp để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích lại đánh giá doanh thu của Wells Fargo bị đe dọa.

Hơn nữa Wells Fargo vẫn đang phải gánh chịu hậu quả. Chủ tịch kiêm CEO John Stumpf cũng đã bị triệu tập điều tra. Trong khi đó mới đây CFO John Shrewsberry cam kết rằng sẽ điều tra đến tận cùng sự việc để tìm ra những người chịu trách nhiệm.

Kể từ đầu năm 2011 đến nay, Wells Fargo đã sa thải tới 5.300 nhân viên vi phạm kỷ luật với 10% trong số đó là những người quản lý ở nhiều cấp. Tuy nhiên Shrewsberry lại ám chỉ lần này những người vi phạm là các nhân viên kinh doanh cấp dưới có trình độ yếu kém đã gian lận để đạt được chỉ tiêu về doanh số. Họ tự ý mở thêm các tài khoản và thẻ tín dụng cho các khách hàng sẵn có mà không hề hỏi ý kiến khách hàng.

Vụ bê bối của Wells Fargo gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận, đến nỗi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng đây là ví dụ chính xác cho thấy cần phải có những biện pháp cải cách thị trường tài chính, chẳng hạn như đạo luật Dodd Frank.

“Nếu họ (những người giám sát hệ thống ngân hàng) không ở đây, những hành vi gian lận như thế này chắc chắn sẽ lặp lại. Đây là thời điểm để mọi người ngừng lại và nhận thức rõ ràng mối nguy hiểm mà cả hệ thống đang phải đối mặt”.

Wells Fargo bị phạt 185 triệu USD và phải trích lập dự phòng 5 triệu USD để đền bù thiệt hại cho các khách hàng. Số tiền này không phải là lớn so với quy mô của ngân hàng và sẽ dễ dàng được các cổ đông thông qua, nhưng động thái hạ mục tiêu doanh số vừa qua đang khiến các cổ đông lo lắng vì về lâu dài thì triển vọng lợi nhuận của ngân hàng đang bị đe dọa.

Tú Anh

Theo Trí thức trẻ/FT

Đọc tiếp »

​Bằng cách này Donald Trump có thể làm Trung Quốc “bốc hơi” 420 tỷ USD

Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể là cơn ác mộng với kinh tế Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu mới của Kevin Lai, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Daiwa Capital Markets, nếu Donald Trump thực hiện cam kết áp thuế xuất khẩu lên Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có nguy cơ mất hàng trăm tỷ USD.

Lai ước tính rằng, đề xuất đánh thuế 45% với hàng Trung Quốc của ông Trump sẽ làm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 87%, tương đương với 420 tỷ USD. Điều này sẽ làm GDP của Trung Quốc sụt 4,82%. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc sẽ giảm 426 tỷ USD nếu các công ty tháo chạy khỏi nước này.

“Việc tăng trưởng GDP sụt giảm với quy mô lớn như vậy sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho Trung Quốc. Dù trên thực tế, ông Trump và chính quyền của mình có thể nương tay với mức thuế nhỏ hơn”, Lai nhận định.

Tuy nhiên, kể cả khi mức thuế giảm xuống 15%, GDP của Trung Quốc vẫn sẽ mất tới 1,8%. Đấy là chưa tính đến tác động của việc các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi quốc gia này. Theo Lai, mức thuế trên sẽ được áp dụng cho phạm vi hàng hóa lớn, từ máy móc, thiết bị gia dụng cho đến đồ chơi.

Mức thuế trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc, cũng như các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở đây. Những công ty này có thể phải lên kế hoạch chuyển sang nước ngoài. Trung Quốc sẽ bị mất “miếng cơm” vào các nước đang phát triển không bị ông Trump nhắm tới.

Những thiệt hại Trung Quốc phải đối mặt sẽ không dừng lại ở đó. Lai cho rằng, cán cân thanh toán của Trung Quốc sẽ gặp nguy vì các dòng vốn tháo chạy khỏi nước này. Mức thuế trên sẽ tăng thêm áp lực và khiến FDI tháo chạy, làm thâm hụt tài khoản vốn của Trung Quốc thêm trầm trọng. Kết hợp lại, những yếu tố này sẽ đẩy giá đồng nhân dân tệ lao dốc không phanh.

Theo những tuyên bố trên website tranh cử, ông Trump sẽ xếp Trung Quốc vào nhóm các nước thao túng tiền tệ. Ông cũng cam kết lấy lại hàng triệu việc làm cho người Mỹ và phục hồi ngành sản xuất của nước này, bằng cách chấm dứt hoạt động trợ giá xuất khẩu bất hợp pháp và các quy định môi trường và lao động lỏng lẻo của Trung Quốc.

Ứng viên đảng Cộng hòa này cho rằng, đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn 40% để tăng lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc trong khi gây bất lợi cho các nhà sản xuất của Mỹ.

Lai cho biết, cơ chế tỷ giá hối đoái cố định và hoạt động can thiệp thường xuyên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã kìm giá đồng nhân dân tệ trong 20 năm qua. Trong khi đó, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Mỹ đã cung cấp cho Trung Quốc nguồn USD dồi dào với chi phí thấp.

Tựu chung lại, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ tăng thêm áp lực rất lớn cho Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế nước này đang giảm tốc. “Rõ ràng, rủi ro Trung Quốc phải đối mặt là rất lớn”, Lai nói.

Long Nam

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »