Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tại sao cổ phiếu Amazon vượt mốc 1000 USD lại là điều đáng lo ngại?

"Việc tạm thời vượt qua rào cản 1000 USD, về mặt tâm lý, tôi phải thừa nhận, đó là một thẻ đỏ", Jim Crammer - người dẫn chương trình Mad Money nhận định.

Trong bối cảnh kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng và nhiều lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử chưa trở thành hiện thực, nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang những cổ phiếu không liên quan đến chương trình nghị sự của Tổng thống Trump và điển hình là Amazon.

Amazon không được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế doanh nghiệp bởi công ty này đã tuyên bố không cần lợi nhuận thậm chí trong vài năm tới mà thay vào đó tập trung chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài như Ấn Độ và cả Trung Quốc (mặc dù thị trường này đang có hai đối thủ rất đáng gờm là Alibaba và Tencent).

Bên cạnh đó Amazon thực sự không có ham muốn chuyển lợi nhuận về nước. Những công ty muốn làm điều này là vì họ muốn mua lại cổ phiếu và tăng lợi tức. Họ không có triển vọng tăng trưởng nước ngoài như Amazon.

Vừa qua, cổ phiếu Amazon đã vượt mốc 1.000 USD. Cổ phiếu của Alphabet - công ty mẹ của Google cũng đang ngấp nghé bước chân vào câu lạc bộ cổ phiếu 1.000 USD. Đây là điều đáng mừng hay nên lo ngại? Jim Cramer – chuyên gia đầu tư, nhà quản lý quỹ, và cũng là người dẫn chương trình “Mad Money” trên đài truyền hình CNBC đã có lời cảnh báo tới nhà đầu tư rằng:

"Việc tạm thời vượt qua rào cản 1.000 USD, về mặt tâm lý, tôi phải thừa nhận, đó là một thẻ đỏ. Khi tôi trò chuyện với những người đồng nghiệp bằng tuổi, cùng theo dõi thị trường chứng khoán từ rất lâu về trước, họ đều nhắc đến Nifty Fifty - nhóm cổ phiếu hạng sang đã tăng trưởng khá mạnh trong những năm 1970 và cuối cùng mất sạch bởi mọi người nhận ra rằng triển vọng của những cổ phiếu này đã không còn "hồng hào" như ban đầu.

Nhóm "50 cổ phiếu siêu hạng" Nifty Fifty bao gồm những công ty nổi tiếng như Coca Cola hay General Electrics. Đó là những cổ phiếu luôn tăng giá mà nhà đầu tư cảm thấy mua vào rồi cất vào két cũng được. Nhưng đó là chiến lược sai lầm. Những người không bán ra đã phải nhận "trái đắng" sau nhiều năm. Kết quả là bong bóng cổ phiếu đã hình thành và âm thầm rạn nứt cho đến khi vỡ tung vào giữa thập niên 1970.

"Người đối tác chương trình "Squawk on the Street" của tôi đã nhấn mạnh với tôi rằng chúng ta có thể đang ở trong kỷ nguyên Nifty Fifty 2.0", ông Cramer nói.

Nhưng người dẫn chương trình "Mad Money" cũng đang nghi ngờ về khả năng duy trì vị trí trong câu lạc bộ 1.000 USD của cổ phiếu Amazon. Cổ phiếu Amazon và gã khổng lồ tìm kiếm Internet Alphabet đã tăng lần lượt 33% và 25% kể từ đầu năm 2017 đến nay. Trong khi mảng kinh doanh điện toán đám mây của Amazon và xe tự lái của Alphabet vẫn chỉ là những lời hứa hẹn, Cramer nói rằng cả Amazon và Alphabet cần phải nỗ lực để thực sự xứng đáng với đà tăng giá cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Anh Sa

Theo Trí thức trẻ/The Street

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét