Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tổng thống Trump gây bất ngờ khi muốn liên lạc với các nhà lãnh đạo khác bằng điện thoại di động cá nhân

Trong thế giới ngoại giao, khi mà nội dung những cuộc điện thoại giữa các nguyên thủ thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, việc ông Trump muốn liên lạc bằng điện thoại di động cá nhân một lần nữa phá vỡ truyền thống

Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump đã cho các nhà lãnh đạo thế giới số điện thoại của chính ông và nói rằng mình có thể trực tiếp nhận điện thoại của họ. Một lần nữa, đây lại là động thái phá vỡ nghi thức ngoại giao truyền thống.

Hai quan chức Mỹ (trong đó có một người đã nghỉ hưu) cho biết ông Trump đã nói với các nhà lãnh đạo Canada và Mexico hãy liên lạc với ông qua điện thoại di động. Tuy nhiên cũng theo nguồn tin này, chỉ có Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã làm theo lời mời của ông Trump.

Một quan chức Pháp cũng cho biết Tổng thống Mỹ đã trao đổi số điện thoại di động với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi hai người trò chuyện với nhau gần đây, không lâu sau khi ông Macron đắc cử Tổng thống.

Việc các nhà lãnh đạo thế giới liên lạc với nhau bằng điện thoại di động không có gì đáng nói trong thế giới ngày nay, khi mà điện thoại di động đã trở nên quá phổ biến. Nhưng trong thế giới ngoại giao, khi mà nội dung những cuộc điện thoại giữa các nguyên thủ thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, việc ông Trump muốn liên lạc bằng điện thoại di động cá nhân một lần nữa phá vỡ truyền thống, thể hiện tính cách tự do và khó đoán trước của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thông thường, các Tổng thống sẽ gọi điện qua một số đường dây được bảo mật cao. Đó là những chiếc điện thoại cố định được đặt trong Phòng Tình huồng hay phòng Bầu dục của Nhà Trắng hoặc trên xe limousine của Tổng thống. Theo các chuyên gia về an ninh mạng, kể cả nếu như ông Trump sử dụng điện thoại di động do Chính phủ cấp, các cuộc điện thoại có thể dễ dàng bị nghe lén.

Những bài học trong quá khứ cho thấy các nguyên thủ luôn phải cẩn trọng trong bất kỳ cuộc điện thoại nào, kể cả với đồng minh. Năm 2013, những thông tin bị rò rỉ mà Edward Snowden công bố cho thấy Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của 35 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là nội dung của những cuộc điện thoại giữa Tổng thống và các nhà lãnh đạo thế giới thường được chuẩn bị kỹ càng. Bộ Ngoại giao và Ủy ban an ninh quốc gia sẽ chuẩn bị sẵn kịch bản cũng như các thông tin bổ ích về nhà lãnh đạo ở bên kia đường dây. Thông thường lời thoại sẽ được ghi âm lại và lưu trữ.

Theo đạo luật Presidential Records có hiệu lực từ năm 1981 (được thông qua sau vụ bê bối Watergate), Tổng thống Mỹ và đội ngũ của ông phải lưu lại tất cả các tài liệu liên quan đến vai trò Tổng thống. Năm 2014, đạo luật này được chỉnh sửa, bổ sung thêm cả email cá nhân. Tuy nhiên, đạo luật này cũng có một số “điểm mù” như các quy định về các cuộc gọi trực tiếp trên điện thoại di động.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng nhiều lần bị chỉ trích vì những lo ngại an ninh xung quanh chiếc điện thoại BlackBerry của ông. Nhiều chức năng của chiếc điện thoại này đã bị khóa và chỉ có rất ít người biết số điện thoại di động hay email cá nhân của Obama.

Thanh Thanh

Theo Trí thức trẻ/Bloomerg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét