Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Đây là cách mà người già đang vẽ lại bức tranh kinh tế Trung Quốc

Tình trạng già hóa dân số đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ Trung Quốc nhưng lại đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Suốt mấy chục năm qua, Nestle đã cố gắng đưa sản phẩm sữa bột trẻ em của mình đến với những bà mẹ trẻ Trung Quốc bằng lời hứa về những em bé thông minh và khỏe mạnh hơn. Giờ đây, chiến thuật này lại được áp dụng, nhưng khách hàng mà Nestle nhắm tới là người già Trung Quốc. Tuần trước, hãng vừa tung ra sản phẩm sữa bột Nestle YIYANG Fuel dành cho người cao tuổi với lời quảng cáo về công thức được thiết kế để giúp người già “tiếp sức cho bộ não, thêm minh mẫn để bắt đầu một cuộc sống mới”.

Sản phẩm mới không tạo nên cơn sốt thường thấy ở những sản phẩm nhắm vào giới trẻ. Tuy nhiên, dường như nó đã tỏ ra hiệu quả. Với 222 triệu người trên 60 tuổi, Trung Quốc hiện là quốc gia có đông người cao tuổi nhất thế giới và chắc chắn những tác động của nhóm người này đến các khía cạnh kinh tế sẽ nổi lên rõ nét trong những năm tới. Theo ước tính, đến năm 2050, tổng giá trị các sản phẩm và dịch vụ hướng tới người cao tuổi sẽ chiếm 33% tổng GDP của Trung Quốc.

Nếu dự đoán trên là đúng, đến giữa thế kỷ này các sản phẩm chăm sóc người già sẽ là ngành thống trị ở Trung Quốc. Tình trạng già hóa dân số đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ Trung Quốc nhưng lại đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Thậm chí ngay ở thời điểm hiện tại, người cao tuổi cũng đang đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển dịch từ mô hình nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Fan Min, ông chủ của website du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, dự đoán đây sẽ là nhóm có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường du lịch trong 10 năm nữa. Hiện mỗi năm có khoảng 5 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi đi du lịch nước ngoài và con số được dự báo đến năm 2030 sẽ tăng hơn gấp đôi.

Không chỉ du lịch, từ các công ty xe hơi đến thương mại điện tử đều đang chú trọng đến nhóm khách hàng cao tuổi.

Y tế là ngành chịu tác động khá lớn. Không giống như Nhật Bản và các nước Tây Âu, dân số Trung Quốc bị già hóa khi mà nước này chưa thể phát triển các cơ sở vật chất (như nhà dưỡng lão) cần thiết để phục vụ người già. Đây chính là cơ hội để khu vực tư nhân tham gia. Đối với những người không có điều kiện đi du lịch nước ngoài, dịch vụ chăm sóc riêng ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó là những sản phẩm “chăm sóc thông minh”, ví dụ như những thiết bị điện tử theo dõi sức khỏe của người dùng có thể kết nối Internet. Bắc Kinh đang mở rộng chương trình phát thẻ mua sắm giảm giá cho người cao tuổi để thu thập dữ liệu về nhu cầu của họ.

Nestle hiểu rất rõ những xu hướng này. Tại buổi giới thiệu sản phẩm sữa mới, một đại diện của hãng nói với báo chí: “Giống như người cao tuổi Trung Quốc thường nói, chế độ ăn uống giúp trị bệnh tốt hơn cả bác sĩ”. Về dài hạn, quan điểm này kết hợp với dòng vốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và hệ thống dữ liệu lớn tập trung vào sức khỏe của Alibaba và Baidu sẽ định hình lại ngành y tế không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có lẽ lĩnh vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường dịch vụ cho người già sẽ là nhà ở. Tính đến hết năm 2015, trung bình mỗi 1.000 người già chỉ có 26 giường bệnh. Trong vài thập kỷ sắp tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ không thể xây dựng cơ sở vật chất cũng như đào tạo đủ nhân lực để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng lên.

Trung Quốc sẽ cần đến những mô hình mới mẻ, sáng tạo hơn để chăm sóc người cao tuổi. Điều đó có thể đồng nghĩa với tự động hóa (ít nhất đang có 1 chương trình thử nghiệm robot ở Hàng Châu) hay mạng lưới giao hàng tận nhà (đặc biệt là thực phẩm) cùng với sự phát triển của những thiết bị thông minh giúp phân tích những dữ liệu mà Chính phủ thu thập được.

Đối với thế hệ người cao tuổi Trung Quốc hiện nay – những người đã trải qua không ít khó khăn và phần lớn cuộc đời ít được tiếp xúc với thế giới, có lẽ đây là tầm ảnh hưởng mà ít ai trong số họ có thể tưởng tượng ra khi còn trẻ.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét