Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

"Cú trượt chân" tai hại của bà Hillary Clinton

“Cú trượt chân” của bà Clinton xảy ra đúng vào thời điểm tai hại nhất, khi mà cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút và khoảng cách (từng khá xa) giữa bà Clinton và ông Trump đang bị thu hẹp.

Đó chỉ là một cú trượt chân của người phụ 68 tuổi đang bị viêm phổi và quá mệt mỏi vì chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng cam go. Ngày 11/9 vừa qua, khi đang tham dự buổi lễ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, bà Clinton đã không thể đứng vững sau khi ho không dứt và cuối cùng không thể tiếp tục tham gia buổi lễ. Nhiều người nói rằng điều này giống như một “món quà lớn” tự nhiên rơi vào tay đối thủ Donald Trump.

Trong video clip nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội Twitter, bà Clinton có vẻ như đã ngất đi và ngã vào vòng tay của các vệ sĩ khi bà rời khỏi buổi lễ. Bà được đưa về nhà con gái Chelsea ở gần đó để nghỉ ngơi lấy lại sức.

“Sáng nay, Cựu Ngoại trưởng đã chỉ có 1h30 để dự lễ kỷ niệm, bày tỏ lòng tôn trọng và gửi lời chào đến những gia đình đã mất đi người thân trong thảm họa năm xưa. Bà đã cảm thấy nóng bức quá mức và phải di chuyển đến căn hộ của con gái ở gần đó. Giờ bà đã cảm thấy tốt hơn rất nhiều”, phát ngôn viên của ứng viên đảng Dân chủ nói.

90 phút sau đó, bà Clinton xuất hiện trở lại trước công chúng. “Tôi cảm thấy rất tuyệt. Hôm nay thật là một ngày đẹp trời ở New York”, bà nói với một đám đông nhỏ.

Bản thông báo từ bác sĩ cá nhân cho thấy bà Clinton đã bị viêm phổi. “Bà ấy đã bị ho do dị ứng. Sau khi đánh giá những cơn ho kéo dài, tôi chuẩn đoán bà ấy bị viêm phổi”, bác sĩ Lisa Bardack nói. “Tôi đã kê thuốc kháng sinh và khuyên bà ấy nên nghỉ ngơi cũng như điều chỉnh lịch trình làm việc cho phù hợp. Sáng nay bà Clinton đã cảm thấy nóng bức quá mức và bị mất nước. Hiện bà đã được tiếp nước và phục hồi khá tốt”.

“Cú trượt chân” của bà Clinton xảy ra đúng vào thời điểm tai hại nhất, khi mà cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút và khoảng cách (từng khá xa) giữa bà Clinton và ông Trump đang bị thu hẹp. Giờ đây mức chênh lệch chỉ còn 3% - gần bằng mức sai số thường thấy của các bảng thống kê.

Tồi tệ hơn, lâu nay vẫn có những thuyết âm mưu cho rằng bà Clinton không đủ sức khỏe để đảm đương vai trò người đứng đầu nước Mỹ. Năm 2012, bà cũng đã xuất hiện với hình ảnh xanh xao và được chuẩn đoán mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Từ đó đến nay bà vẫn luôn trình ra một bệnh án sạch sẽ nhưng Trump và những người ủng hộ ông một mực cho rằng bà Clinton quá yếu.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, Trump nói rằng trên cương vị là Ngoại trưởng Mỹ bà Clinton đã không thể bảo vệ 4 công dân của mình đã thiệt mạng dưới tay những phần tử thánh chiến ở Benghazi năm 2012 bởi vì nguyên nhân đơn giản là bà không có đủ sức khỏe để đối mặt với tình huống khẩn cấp trong đêm. “Thay vì đứng ra chịu trách nhiệm vào đêm hôm đó, Hillary Clinton đã quyết định về nhà đi ngủ. Thật là tồi tệ”, Trump nói.

Trump đã đưa ra những kết luận vô lý và vô nghĩa. Cuộc tấn công ở Benghazi xảy ra vào ban ngày theo giờ Mỹ và theo lời nhiều quan chức thì bà Clinton đã quản lý mọi việc. Tuy nhiên trên thực tế gần một nửa cử tri đảng Cộng hòa đã tin lời Trump nói và nghĩ rằng “cựu Ngoại trưởng đã biết rằng đại sứ quán Mỹ ở Benghazi sắp bị tấn công mà không thể làm gì để bảo vệ công dân Mỹ”.

Bà Clinton cũng có thói quen giữ bí mật và vô tình bị nhiều người đánh giá là mập mờ. Để giải thích cho việc bị FBI điều tra vì sử dụng email cá nhân khi còn làm Ngoại trưởng, bà đã sơ suất sử dụng từ short-circuited. Từ nãy có nghĩa là chập mạch với các thiết bị điện tử nhưng đối với con người thì sẽ có nghĩa là “cảm thấy điên đầu với một việc gì đó”. Trump ngay lập tức mô tả bà Clinton là một con robot “bị chập mạch”.

Khi mà bà Clinton đã 68 tuổi và ông Trump cũng đã thất thập, nỗi lo về sức khỏe của vị Tổng thống tương lai của người Mỹ là chính đáng dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới đi chăng nữa. Bà Clinton sẽ là vị Tổng thống cao tuổi thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau Ronald Reagan – người được cho là đã mắc chứng mất trí nhớ ở cuối nhiệm kỳ bởi ông đã 78 tuổi. Già hơn bà Clinton 2 tuổi, Trump sẽ là vị Tổng thống già nhất nhưng ông đã thể hiện mình có sức khỏe tốt hơn nhiều.

Trong thông báo được đưa ra tháng 12 năm ngoái, ông Trump được chuẩn đoán mắc bệnh về dạ dày. Bác sĩ nói rằng huyết áp và các chỉ số khác “tốt một cách đáng kinh ngạc” và kết luận “nếu đắc cử, Trump có thể trở thành một trong những vị Tổng thống có sức khỏe tốt nhất từ trước đến nay”.

Dù đó là một lời khen có cánh, chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế là sức khỏe không bao giờ là một vấn đề đáng lo, trong khi sức khỏe của bà Clinton thường xuyên được nhắc đến.

Giả sử sức khỏe của bà Clinton có những vấn đề nghiêm trọng hơn những gì bác sĩ đã công bố, quá khứ cho thấy nữ ứng viên này có một sức chịu đựng phi thường. Bà đã đứng dậy mạnh mẽ sau cú sốc lớn về bê bối ngoại tình của ông Clinton. Năm 2008, trong cuộc chạy đua với ông Obama, bà đã chiến đấu kiên cường cho đến giai đoạn cuối cùng và hình ảnh cá nhân cũng đã cải thiện rất nhiều trong mắt công chúng.

Bệnh tật khiến bà Clinton trông khá yếu ớt, và đối với một người phụ nữ thì dấu ấn tuổi tác sẽ càng hằn sâu nhiều hơn so với nam giới. Bà càng khẳng định mình không có vấn đề về sức khỏe thì sự ác cảm càng lớn, đặc biệt là sau sự kiện hôm 11/9 vừa qua.

Nguy hiểm hơn, những tiếng ho của bà càng khiến người ta tin vào những thuyết âm mưu mà Trump và phe của Trump đặt ra. Hàng triệu người Mỹ có thể sẽ phân vân về quyết định của mình sau khi nhìn thấy hình ảnh bà Clinton tái mét vì viêm phổi.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét