“Đội tàu của chúng tôi có thể trở thành những con tàu ma”, Kim Ho Kyung – một lãnh đạo của Hanjin Shipping nói. “Trên những con tàu đang trôi nổi trên các vùng biển quốc tế, nước uống và thực phẩm đang dần cạn kiệt”.
Tuần trước, Hanjin Shipping – một trong những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới – vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Seoul. Động thái này khiến hàng chục con tàu của Hanjin lâm vào cảnh lênh đênh không bến đỗ trên biển sau khi hàng loạt các cảng biển từ Mỹ, châu Á đến châu Âu đều từ chối tiếp nhận. Các nước đều lo ngại sẽ không thể thu được tiền phí từ Hanjin hoặc những container sẽ bị các chủ nợ bắt giữ, khiến hoạt động của cảng bị gián đoạn.
“Đội tàu của chúng tôi có thể trở thành những con tàu ma”, Kim Ho Kyung – một lãnh đạo của Hanjin Shipping nói. “Trên những con tàu đang trôi nổi trên các vùng biển quốc tế, nước uống và thực phẩm đang dần cạn kiệt”.
Đội tàu của Hanjin chuyên chở mọi thứ, từ xe hơi đến quần áo và tivi hay đồ chơi và sự việc xảy ra ngay khi các công ty đang hối hả xuất nhập khẩu hàng hóa để chất đầy các kệ chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Hôm qua, công ty mẹ của Hanjin Shipping là tập đoàn Hanjin đã tuyên bố sẽ cung cấp 100 tỷ won (tương đương 90 triệu USD), trong đó có 40 tỷ won của Chủ tịch Cho Yang Ho để giúp giải quyết tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đảng Saeunri đang cầm quyền ở Hàn Quốc cũng kiến nghị Chính phủ bơm thêm cho Hanjin 100 tỷ won dưới dạng các khoản vay giá rẻ nếu như tập đoàn Hanjin đưa ra các tài sản đảm bảo.
Theo ước tính, Hanjin sẽ cần tới hơn 600 tỷ won để chi trả những chi phí như nhiên liệu hay thanh toán cho các cảng để dỡ hàng hóa ra khỏi những con tàu đang bị mắc kẹt.
Công ty cũng đang bắt đầu tiếp viện thực phẩm, nước uống và những đồ dùng thiết yếu hàng ngày cho đội ngũ nhân viên trên 6 con tàu đang neo tại các cảng ở Rotterdam và Singapore. Hiện tàu của hãng đang mắc kẹt ở 50 cảng tại 26 quốc gia.
Một thuyền trưởng đang điều khiển chiếc tàu ở vùng biển gần Nhật Bản cho biết tàu của ông đã được phép cập cảng Nhật Bản để tháo dỡ hàng hóa nhưng bị buộc phải ra đi sớm. Yêu cầu về thực phẩm và nước uống đã bị từ chối. “Cần có biện pháp để bảo vệ sự an toàn của các thủy thủ, chúng tôi không biết sẽ phải chờ đợi trên biển bao lâu”.
Trong khi các luật sư của Hanjin đang cố gắng đàm phán với các nước, một số con tàu đang hướng đến Singapore, Hamburg hay Busan với hi vọng có thể cập cảng.
Mỗi con tàu của Hanjin có đủ thức ăn nước uống cho 24 người trong vài tuần. Trong khi đó một chuyến đi vượt Thái Bình Dương, từ Busan đến Los Angeles mất khoảng 10 ngày và tới Rotterdam mất tới 1 tháng.
Chi phí vận hành những con tàu cũng rất đắt đỏ. Theo hãng tư vấn Drewry Maritime Services, thông thường một con tàu chở 8.000 container sẽ tiêu tốn 8.376 USD mỗi ngày.
Samsung cho biết hãng có số hàng hóa trị giá khoảng 38 triệu USD đang bị mắc kẹt trên 2 con tàu của Hanjin ngoài khơi Long Beach, California.
Tuần trước các ngân hàng từ chối kế hoạch tái cấu trúc của Hanjin với lý do kế hoạch này không đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt tiền mặt. Hanjin vẫn cần đến 1.300 tỷ won tiền mặt để trả nợ, theo chủ nợ lớn nhất của hãng là ngân hàng KDB.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét