Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Đây là cách mà người già đang vẽ lại bức tranh kinh tế Trung Quốc

Tình trạng già hóa dân số đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ Trung Quốc nhưng lại đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Suốt mấy chục năm qua, Nestle đã cố gắng đưa sản phẩm sữa bột trẻ em của mình đến với những bà mẹ trẻ Trung Quốc bằng lời hứa về những em bé thông minh và khỏe mạnh hơn. Giờ đây, chiến thuật này lại được áp dụng, nhưng khách hàng mà Nestle nhắm tới là người già Trung Quốc. Tuần trước, hãng vừa tung ra sản phẩm sữa bột Nestle YIYANG Fuel dành cho người cao tuổi với lời quảng cáo về công thức được thiết kế để giúp người già “tiếp sức cho bộ não, thêm minh mẫn để bắt đầu một cuộc sống mới”.

Sản phẩm mới không tạo nên cơn sốt thường thấy ở những sản phẩm nhắm vào giới trẻ. Tuy nhiên, dường như nó đã tỏ ra hiệu quả. Với 222 triệu người trên 60 tuổi, Trung Quốc hiện là quốc gia có đông người cao tuổi nhất thế giới và chắc chắn những tác động của nhóm người này đến các khía cạnh kinh tế sẽ nổi lên rõ nét trong những năm tới. Theo ước tính, đến năm 2050, tổng giá trị các sản phẩm và dịch vụ hướng tới người cao tuổi sẽ chiếm 33% tổng GDP của Trung Quốc.

Nếu dự đoán trên là đúng, đến giữa thế kỷ này các sản phẩm chăm sóc người già sẽ là ngành thống trị ở Trung Quốc. Tình trạng già hóa dân số đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ Trung Quốc nhưng lại đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Thậm chí ngay ở thời điểm hiện tại, người cao tuổi cũng đang đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển dịch từ mô hình nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Fan Min, ông chủ của website du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, dự đoán đây sẽ là nhóm có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường du lịch trong 10 năm nữa. Hiện mỗi năm có khoảng 5 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi đi du lịch nước ngoài và con số được dự báo đến năm 2030 sẽ tăng hơn gấp đôi.

Không chỉ du lịch, từ các công ty xe hơi đến thương mại điện tử đều đang chú trọng đến nhóm khách hàng cao tuổi.

Y tế là ngành chịu tác động khá lớn. Không giống như Nhật Bản và các nước Tây Âu, dân số Trung Quốc bị già hóa khi mà nước này chưa thể phát triển các cơ sở vật chất (như nhà dưỡng lão) cần thiết để phục vụ người già. Đây chính là cơ hội để khu vực tư nhân tham gia. Đối với những người không có điều kiện đi du lịch nước ngoài, dịch vụ chăm sóc riêng ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó là những sản phẩm “chăm sóc thông minh”, ví dụ như những thiết bị điện tử theo dõi sức khỏe của người dùng có thể kết nối Internet. Bắc Kinh đang mở rộng chương trình phát thẻ mua sắm giảm giá cho người cao tuổi để thu thập dữ liệu về nhu cầu của họ.

Nestle hiểu rất rõ những xu hướng này. Tại buổi giới thiệu sản phẩm sữa mới, một đại diện của hãng nói với báo chí: “Giống như người cao tuổi Trung Quốc thường nói, chế độ ăn uống giúp trị bệnh tốt hơn cả bác sĩ”. Về dài hạn, quan điểm này kết hợp với dòng vốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và hệ thống dữ liệu lớn tập trung vào sức khỏe của Alibaba và Baidu sẽ định hình lại ngành y tế không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có lẽ lĩnh vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường dịch vụ cho người già sẽ là nhà ở. Tính đến hết năm 2015, trung bình mỗi 1.000 người già chỉ có 26 giường bệnh. Trong vài thập kỷ sắp tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ không thể xây dựng cơ sở vật chất cũng như đào tạo đủ nhân lực để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng lên.

Trung Quốc sẽ cần đến những mô hình mới mẻ, sáng tạo hơn để chăm sóc người cao tuổi. Điều đó có thể đồng nghĩa với tự động hóa (ít nhất đang có 1 chương trình thử nghiệm robot ở Hàng Châu) hay mạng lưới giao hàng tận nhà (đặc biệt là thực phẩm) cùng với sự phát triển của những thiết bị thông minh giúp phân tích những dữ liệu mà Chính phủ thu thập được.

Đối với thế hệ người cao tuổi Trung Quốc hiện nay – những người đã trải qua không ít khó khăn và phần lớn cuộc đời ít được tiếp xúc với thế giới, có lẽ đây là tầm ảnh hưởng mà ít ai trong số họ có thể tưởng tượng ra khi còn trẻ.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »

“Bỏng tay” vì bán khống Nhân dân tệ

Hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ là một ưu tiên chính sách của Trung Quốc trong năm nay...

Theo hãng tin Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở thị trường Hồng Kông có lúc tăng 1,1% lên mức cao nhất trong 7 tháng, bất chấp dự báo trước đó của giới phân tích rằng tỷ giá đồng tiền này sẽ giảm trong quý 2.

Việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng đang làm khó các nhà đầu tư bán khống - những người đã vay Nhân dân tệ để bán ra từ trước, với hy vọng đồng tiền này sẽ giảm giá và họ sẽ mua vào để kiếm lời.

Đợt tăng giá này của đồng Nhân dân tệ đã phá vỡ xu hướng trong mấy tháng trước đó khi đồng tiền này giữ tương đối ổn định so với đồng USD. Đáng chú ý, Nhân dân tệ đã tăng giá sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services cắt giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng đáp trả, gọi động thái này của Moody’s là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường Thượng Hải tăng 0,6%, đạt mức 6,8134 Nhân dân tệ/USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi dao động yếu quanh ngưỡng 6,9 Nhân dân tệ/USD trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay.

Từ khi Moody’s giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc vào hôm 24/5 đến nay, tỷ giá Nhân dân tệ tại Hồng Kông đã tăng khoảng 1,8%.

Để chống lại giới đầu tư bán khống, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thời gian qua đã liên tục tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, đã có những thời điểm tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay trên thị trường giảm xuống dưới mức thấp hơn tỷ giá tham chiếu. Bởi vậy, giới chuyên môn cho rằng sự tăng giá gần đây của Nhân dân tệ là kết quả từ sự can thiệp của nhà chức trách.

“Việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc và tỷ giá giao ngay Nhân dân tệ xuống thấp hơn so với tỷ giá tham chiếu có thể đã thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh cơ chế tỷ giá tham chiếu và thậm chí có thể đã can thiệp vào thị trường”, ông Jason Daw, chiến lược gia các đồng tiền mới nổi thuộc ngân hàng Societe-Generale ở Singapore, nhận định.

Các nhà phân tích đang điều chỉnh các dự báo để thích ứng với tình hình mới của tỷ giá Nhân dân tệ. Ngân hàng Credit Agricole nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay lên mức 7,05 Nhân dân tệ/USD, từ mức dự báo 7,25 Nhân dân tệ/USD duy trì từ cuối năm ngoái. Ngân hàng ANZ cũng nâng dự báo tỷ giá Nhân dân tệ cho thời điểm cuối năm 2017 lên 6,95 Nhân dân tệ/USD, từ mức 7,1 Nhân dân tệ/USD.

Hỗ trợ tỷ giá Nhân dân tệ là một ưu tiên chính sách của Trung Quốc trong năm nay, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực ngăn sự rút lui của các dòng vốn khỏi nước này và nguy cơ xảy ra những cú sốc tài chính trước khi diễn ra một cuộc thay đổi nhân sự cấp cao vào cuối năm. Mấy tuần qua, Chính phủ Trung Quốc còn siết chặt hoạt động vay nợ trên thị trường chứng khoán, dẫn tới những xáo trộn trong hoạt động của các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu nước này.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã can thiệp như thế nào vào thị trường ngoại hối thời gian gần đây, nhưng nguồn tin thân cận nói rằng các ngân hàng Trung Quốc đã bán ra đồng USD tại thị trường đại lục trong tuần trước. Ngoài ra, trong tháng này, PBoC tiếp tục đưa ra mức tỷ giá tham chiếu mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Chính phủ Trung Quốc nói có thể sẽ bổ sung một “nhân tố chống tính chu kỳ” vào tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Các nhà phân tích nói thay đổi như vậy có thể mang lại cho nhà chức trách sự kiểm soát lớn hơn đối với tỷ giá tham chiếu và hạn chế ảnh hưởng của hành vi “bầy đàn” trên thị trường.

Theo nhà phân tích tiền tệ Fiona Lim thuộc ngân hàng Malayan Banking Bhd, PBoC có thể đang nâng đỡ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để chuẩn bị trước cho một đợt tăng lãi suất có thể diễn ra ở Mỹ. Ngân hàng này mới đây đã nâng dự báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào cuối năm nay thêm 2%.

“Có lẽ PBoC đang cố gắng đưa ra nhiều hướng dẫn hơn đối với đồng Nhân dân tệ để tăng cường niềm tin của thị trường trước khi đồng USD có thể có đợt tăng giá mới. Tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ giờ đây kém minh bạch hơn và ảnh hưởng của thị trường đối với tỷ giá này đã bị hạn chế”, bà Lim nói.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Đọc tiếp »

Uber lỗ thêm 708 triệu USD, Giám đốc tài chính thôi việc

Kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy Uber đang có những bước tiến trên con đường đi đến lợi nhuận sau thời gian dài triền miên thua lỗ...

Công ty ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới Uber Technologies ngày 31/5 tuyên bố Giám đốc tài chính của hãng sẽ nghỉ việc, cho dù thua lỗ của hãng trong quý 1 đã giảm đáng kể so với quý trước đó. Kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy Uber đang có những bước tiến trên con đường đi đến lợi nhuận sau thời gian dài triền miên thua lỗ.

Theo tin từ Reuters, Giám đốc tài chính (CFO) của Uber, ông Gautam Gupta, sẽ rời công ty vào tháng 7 và chuyển sang làm việc tại một công ty khởi nghiệp (startup) khác ở San Francisco. Động thái này đưa ông Gupta trở thành nhân vật cấp cao mới nhất rời bỏ Uber.

Trong mấy tháng qua, khoảng một chục nhân sự cao cấp của Uber đã lần lượt nghỉ việc, trong bối cảnh hãng này chật vật xoay xở với nhiều tranh cãi. Uber hiện đang tìm kiếm một Giám đốc hoạt động (COO) nhằm thay đổi thứ văn hóa doanh nghiệp kiểu “anh em” của công ty.

Sự ra đi của Gupta đồng nghĩa với Uber sẽ có thêm một cuộc tìm kiếm nhân sự cấp cao mới để lấp chỗ trống ở ghế CFO. Dự định của hãng là tìm kiếm cho cương vị này một nhân vật có kinh nghiệm trong một công ty đại chúng.

Trước đó, mới vào hôm thứ Ba tuần này, Uber sa thải người đứng đầu bộ phận xe tự lái, ông Anthony Levandowski, sau khi ông này không tuân thủ lệnh của tòa án về giao nộp các tài liệu liên quan đến tranh chấp pháp lý giữa Uber và Waymo - một công ty con của Alphabet.

Uber cho biết mức lỗ ròng của công ty trong 3 tháng đầu năm nay, bao gồm thưởng cổ phiếu cho nhân viên và các khoản khác, giảm còn 708 triệu USD, từ mức lỗ 991 triệu USD vào quý 4/2016.

Hãng cũng cho biết doanh thu quý 1 tăng 18% so với quý cuối cùng của năm ngoái, đạt mức 3,4 tỷ USD.

“Mức lỗ giảm trong quý 1 đưa chúng tôi đi theo chiều hướng tích cực về phía làm ăn có lãi”, một phát ngôn viên của Uber nói.

Theo hãng tin Bloomberg, trong 3 quý đầu năm ngoái, Uber lỗ 2,2 tỷ USD. Trong đó, riêng quý 3/2016, công ty này lỗ 800 triệu USD sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo Thăng Điệp

VnEconomy

Đọc tiếp »

Tổng thống Trump gây bất ngờ khi muốn liên lạc với các nhà lãnh đạo khác bằng điện thoại di động cá nhân

Trong thế giới ngoại giao, khi mà nội dung những cuộc điện thoại giữa các nguyên thủ thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, việc ông Trump muốn liên lạc bằng điện thoại di động cá nhân một lần nữa phá vỡ truyền thống

Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump đã cho các nhà lãnh đạo thế giới số điện thoại của chính ông và nói rằng mình có thể trực tiếp nhận điện thoại của họ. Một lần nữa, đây lại là động thái phá vỡ nghi thức ngoại giao truyền thống.

Hai quan chức Mỹ (trong đó có một người đã nghỉ hưu) cho biết ông Trump đã nói với các nhà lãnh đạo Canada và Mexico hãy liên lạc với ông qua điện thoại di động. Tuy nhiên cũng theo nguồn tin này, chỉ có Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã làm theo lời mời của ông Trump.

Một quan chức Pháp cũng cho biết Tổng thống Mỹ đã trao đổi số điện thoại di động với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi hai người trò chuyện với nhau gần đây, không lâu sau khi ông Macron đắc cử Tổng thống.

Việc các nhà lãnh đạo thế giới liên lạc với nhau bằng điện thoại di động không có gì đáng nói trong thế giới ngày nay, khi mà điện thoại di động đã trở nên quá phổ biến. Nhưng trong thế giới ngoại giao, khi mà nội dung những cuộc điện thoại giữa các nguyên thủ thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, việc ông Trump muốn liên lạc bằng điện thoại di động cá nhân một lần nữa phá vỡ truyền thống, thể hiện tính cách tự do và khó đoán trước của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thông thường, các Tổng thống sẽ gọi điện qua một số đường dây được bảo mật cao. Đó là những chiếc điện thoại cố định được đặt trong Phòng Tình huồng hay phòng Bầu dục của Nhà Trắng hoặc trên xe limousine của Tổng thống. Theo các chuyên gia về an ninh mạng, kể cả nếu như ông Trump sử dụng điện thoại di động do Chính phủ cấp, các cuộc điện thoại có thể dễ dàng bị nghe lén.

Những bài học trong quá khứ cho thấy các nguyên thủ luôn phải cẩn trọng trong bất kỳ cuộc điện thoại nào, kể cả với đồng minh. Năm 2013, những thông tin bị rò rỉ mà Edward Snowden công bố cho thấy Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của 35 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là nội dung của những cuộc điện thoại giữa Tổng thống và các nhà lãnh đạo thế giới thường được chuẩn bị kỹ càng. Bộ Ngoại giao và Ủy ban an ninh quốc gia sẽ chuẩn bị sẵn kịch bản cũng như các thông tin bổ ích về nhà lãnh đạo ở bên kia đường dây. Thông thường lời thoại sẽ được ghi âm lại và lưu trữ.

Theo đạo luật Presidential Records có hiệu lực từ năm 1981 (được thông qua sau vụ bê bối Watergate), Tổng thống Mỹ và đội ngũ của ông phải lưu lại tất cả các tài liệu liên quan đến vai trò Tổng thống. Năm 2014, đạo luật này được chỉnh sửa, bổ sung thêm cả email cá nhân. Tuy nhiên, đạo luật này cũng có một số “điểm mù” như các quy định về các cuộc gọi trực tiếp trên điện thoại di động.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng nhiều lần bị chỉ trích vì những lo ngại an ninh xung quanh chiếc điện thoại BlackBerry của ông. Nhiều chức năng của chiếc điện thoại này đã bị khóa và chỉ có rất ít người biết số điện thoại di động hay email cá nhân của Obama.

Thanh Thanh

Theo Trí thức trẻ/Bloomerg

Đọc tiếp »

Giàu nhanh kiểu Jeff Bezos

Jeff Bezos, CEO của Amazon, không lâu nữa, sẽ là người giàu số một hành tinh. Nhưng việc giàu nhất, nhì không phải là thứ tôi ấn tượng. Điều hấp dẫn mà tôi muốn đề cập, là lý do của nó.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Giàu nhanh kiểu Jeff Bezos" của Chuyên gia quản trị trải nghiệm khách hàng - Nguyên giám đốc quốc gia Singtel Việt Nam Nguyễn Dương. Mời độc giả đón đọc.

Jeff Bezos sẽ chiếm vị trí giàu nhất thế giới rất lâu. Dự đoán này xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ của tôi dành cho những doanh nhân đã xây dựng được trải nghiệm khách hàng tuyệt vời bằng triết lý lấy “khách hàng làm trung tâm” và Jeff Bezos là ông “vua” của tinh thần này. Ông còn được gắn với một cụm từ riêng, rất “đắt”, đó là “ám ảnh khách hàng”; tức là khi ăn, ngủ, tắm hay chơi còn nghĩ đến khách hàng.

Amazon tăng trưởng ấn tượng trong suốt 20 năm. Giá cổ phiếu của Amazon tăng hơn 600 lần. Và trong 5 năm qua, quy mô công ty tăng gấp ba lần. Vì sao ở một quy mô khổng lồ, một công ty lại có thể tăng trưởng thần kỳ như vậy?

Câu trả lời nằm ở Jeff Bezos với bốn sức mạnh lõi, bao gồm: lấy khách hàng làm trung tâm; dẫn đầu về sáng tạo; tuyển đúng người rồi cho họ làm chủ; và nghĩ dài hạn. Trong đó, xuyên suốt chính là lấy “khách hàng làm trung tâm”; Ba vấn đề còn lại đều lấy cái đầu tiên này làm kim chỉ nam.

“Amazon muốn trở thành công ty số một trái đất về lấy khách hàng làm trung tâm”. Đó là tuyên bố sứ mệnh của Amazon, được ghi hẳn hỏi trong tài liệu thành lập công ty; và hoạt động hàng ngày của Amazon cũng không “rời mắt” khỏi khách hàng

Về sáng tạo, bạn biết Amazon là một trong các công ty sáng tạo nhất, nhưng có thể bạn chưa biết, ngay cả triết lý sáng tạo của Amazon cũng là tập trung vào những điều khách hàng luôn mong muốn để sáng tạo. Phòng họp của Amazon luôn để một “chiếc ghế của khách hàng”, để biết khách hàng luôn hiện diện và nói rõ chỗ trống đó là chỗ ngồi của người quan trọng nhất phòng họp.

Jeff Bezos nói “Khách hàng sẽ trung thành với chúng tôi cho tới giây phút có một ai đó cung cấp cho họ dịch vụ tốt hơn. Tôi khoái điều này, nó là động lực sáng tạo vô cùng lớn cho chúng tôi”. Vị CEO này cũng thường bác bỏ các sáng kiến mang tính tập trung vào đối thủ.

Về nhân sự, Amazon tìm những người có ham muốn đi đầu trong việc tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng và gắn kết họ bằng việc cho họ làm chủ bằng chính sách cổ phiếu, “… những người mà ngủ dậy vào phòng tắm đã nghĩ ngay đến khách hàng. Còn người có tư duy tập trung vào đối thủ, khi làm ở Amazon thường bị lạc lõng, vì họ cảm thấy Amazon có phần 'tối dạ'”, Jeff Bezos mô tả.

Về nghĩ dài hạn, thời gian đánh giá sáng tạo mà Jeff Bezos đưa ra là 7 năm. Vì vậy, thay vì bán kindle lấy lãi, ông bán với giá hòa vốn để “kiếm tiền khi khách hàng dùng chứ không phải khi bán”; Jeff Bezos cũng không ngại cho khách hàng “reviews” cả thông tin chỉ trích và tiêu cực về Amazon; ông cho rằng vì đó là nguồn thông tin tin cậy nhất của khách hàng và họ thích đọc. Điều này rõ ràng cách của Amazon là nỗ lực giúp khách hàng ra quyết định mua hàng thay vì cố bán hàng cho được.

Ngược lại với tinh thần trên, nhiều doanh nghiệp quá tập trung vào mục tiêu “con số” thay vì con người. Dẫn đến cố gắng tận thu, giảm chi bằng kích thích khách hàng mua, khai thác triệt để, thậm chí thiếu trân trọng người lao động; và luôn muốn sáng tạo theo cách phải “có kết quả” nhanh. Trong nỗ lực đó, nhiều doanh nghiệp làm tổn hại các mối quan hệ với khách hàng, người lao động và đối tác. Vì vậy, khó khăn và thách thức không những không giảm mà còn tăng lên, mục tiêu càng không đạt được và các CEO ngày càng phải “rời ghế” nhanh hơn. Đơn giản vì, khách hàng và người lao động mới là “tài sản” đảm bảo cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Tim Cook, CEO của Apple một công ty danh tiếng khác về trải nghiệm khách hàng đã chỉ ra sai lầm của chúng ta “nhiều công ty nhầm lẫn, họ coi mục tiêu là doanh thu, giá cổ phiếu hay điều gì đó. Bạn phải tập trung vào điều tạo ra những thứ đó”.

Mục tiêu thực sự của một doanh nghiệp là tạo ra giá trị cho khách hàng, người lao động và xã hội; còn doanh thu, lợi nhuận hay giá trị doanh nghiệp chỉ là kết quả. Chúng ta không thể làm ra “con số” bằng cách cứ tập trung vào nó, chúng ta có nó bằng cách tập trung vào những điều tạo ra nó; đó là khách hàng và người lao động. Bạn không thể giảm cân bằng việc bước lên cân 10 lần trong ngày, bạn giảm nó bằng việc tập trung vào những thứ tạo ra “cân nặng” tức là chế độ ăn, uống của bạn.

Thu nhập và thậm chí cái “ghế” của lãnh đạo doanh nghiệp được quyết định bởi các con số mục tiêu ngắn hạn cũng là điều tạo nên sự nhầm lẫn giữa mục tiêu với kết quả của một doanh nghiệp. Chịu sức ép đó hàng ngày, nên chúng ta luôn xoay sở để đạt được doanh thu và lợi nhuận trước mắt. Song sự thật là, khi quá ám ảnh với những “con số” hay đối thủ và mong muốn đạt chỉ tiêu ngắn hạn, chúng ta rất dễ mắc sai lầm; vì việc của ta là đi sáng tạo cho khách hàng thì ta lại đi “sáng tạo” cho bản thân mình, sáng tạo trên những con số vô hồn.

Đừng nghĩ rằng sáng tạo cho con người là cái gì đó “lý tưởng hóa”, nó thực ra lại là cách thực tế hơn, bền vững hơn nhiều so với việc lo doanh thu lợi nhuận theo tháng hay quý. Lấy khách hàng làm trung tâm đòi hỏi một sự can đảm và tầm nhìn dài hạn vì có thể phải hy sinh một số kết quả ngắn hạn.

Tôi tin, không có công ty nào cung cấp được trải nghiệm khách hàng xuất sắc lại thiếu một nền văn hóa doanh nghiệp có định hướng khách hàng. Tôi cũng biết, sự tăng trưởng của một doanh nghiệp có trải nghiệm khách hàng tuyệt vời như Amazon là dựa trên sự trung thành, yêu mến của khách hàng và sự gắn kết, tự hào của người lao động. Vì vậy, giàu nhanh kiểu Jeff Bezos là kiểu giàu rất nhanh mà không mất đi tính bền vững.

Theo Nguyễn Dương, Chuyên gia quản trị Trải nghiệm khách hàng

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Warren Buffett: Thà thuê 1 người thợ sửa ống nước còn hơn là phí tiền cho các quỹ

Tỷ phú Warren Buffett vẫn không ngừng chỉ trích việc các nhà quản lý quỹ đầu cơ đang phung phí tiền bạc của khách hàng.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm nay, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng nhìn chung thì các chuyên viên tư vấn đầu tư chẳng xứng đáng để có thể thu về mức phí cao chót vót. Buffett tiếp tục khẳng định hãy dồn tiền vào các quỹ đầu tư chỉ số có chi phí thấp, cũng như chỉ trích mức thu nhập hậu hĩnh mà các nhà quản lý quỹ đầu cơ nhận được.

“Nếu bạn tới chỗ nha sĩ, hay thậm chí là thuê 1 người thợ sửa ống nước – nhìn chung là những người chuyên nghiệp, bạn trả tiền để được hưởng những giá trị mà họ mang đến cho bạn, những giá trị sẽ không có được nếu bạn tự làm hoặc chọn ngẫu nhiên một ai đó. Nhưng trong thế giới đầu tư thì điều này không còn đúng nữa. Không chắc những quỹ đầu tư chủ động – hay những người chuyên nghiệp – có thể làm tốt hơn so với những người chỉ ngồi im 1 chỗ”.

Phó Chủ tịch Charles Munger thì cho rằng sự việc trở nên tồi tệ hơn khi một số nhà quản lý quỹ đầu cơ kiếm bộn tiền từ khách hàng (sau khi thu phí quản lý 2% mỗi năm và lấy 20% tổng số lợi nhuận) nhưng sau đó đánh mất tất cả. “Thế giới đầu tư chỉ là một “bãi lầy” chứa đầy những động cơ sai trái, các bản báo cáo điên rồ và khá nhiều ảo tưởng”, ông nói.

Buffett chỉ trích thậm tệ mô hình 2-20 của các quỹ đầu cơ: “Thử tưởng tượng khách hàng đầu tư 1 tỷ USD, thì mức phí 2% mỗi năm cũng biến thành con số 20 triệu USD”. “Trong bất cứ ngành nào, điều này sẽ là 1 cú sốc”.

Để so sánh, 2 người chuyên chọn cổ phiếu cho Berkshire là Ted Weschler và Todd Combs đang quản lý tổng cộng khoảng 20 tỷ USD. Họ được trả lương 1 triệu USD mỗi năm, cộng thêm tiền thưởng nếu họ đánh bại được chỉ số S&P 500.

“Họ thực sự phải làm điều gì đó. Nhưng trong 40 năm qua, liệu có bao nhiêu nhà quản lý quỹ đầu cơ nói với khách hàng là tôi sẽ chỉ nhận thù lao nếu giúp bạn đầu tư có lãi hoặc đem lại điều gì đó mà bạn không thể tự mình làm được? Tất nhiên điều đó chẳng bao giờ xảy ra”, Buffett nói.

Từ đầu năm đến hết tháng 4, trung bình các quỹ đầu cơ chỉ đem về lợi suất 2%, trong khi chỉ số S&P 500 đã tăng trưởng 6,5%.

Theo Buffett, ngành quản lý quỹ trị giá 3.000 tỷ USD là “một trò chơi lớn” mà ở đó người ta có thể “kiếm được số tiền khổng lồ, dù so với ngành dược hay bất cứ ngành nào khác”. “Thứ mà họ bán cho khách hàng chỉ là ý nghĩ rằng phép màu sẽ xảy ra, nhờ họ”. Mặc dù vẫn có một số nhà quản lý quỹ có thể đánh bại thị trường, hầu hết không thể làm như vậy.

Buffett thường xuyên chỉ trích các quỹ đầu cơ, trong cả lá thư gửi các cổ đông cũng như tại đại hội cổ đông Berkshire hàng năm.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »

Kỹ sư người Mỹ nghỉ hưu sớm ở tuổi 30 tiết lộ 5 bí mật tiền bạc ai cũng nên biết

Thông điệp cơ bản của anh là: Sống tiết kiệm ở Colorado và chi tiêu ít nhất có thể để dành tiền cho tiết kiệm và nghỉ hưu sớm.

Nghỉ hưu ở tuổi 30? Điều này nghe thì có vẻ như vô lý nhưng hầu như ai cũng có thể làm được điều này nếu biết được những bí quyết dưới đây.

Pete – hay còn được biết đến với tên gọi “Mr. Money Mustache” là một kỹ sư người Mỹ đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 30, hiện đang sống cùng vợ và con trai. Thông điệp cơ bản của anh là: Sống tiết kiệm ở Colorado và chi tiêu ít nhất có thể để dành tiền cho tiết kiệm và nghỉ hưu sớm.

Dưới đây là 5 bí mật tiền bạc mà Pete cho rằng ai cũng có thể thực hiện để nghỉ hưu sớm.

1. Đa dạng hóa kỹ năng

“Đối với chúng tôi là những kỹ sư và dân công nghệ, một số kỹ năng thuộc về con người đôi khi có thể bị lãng quên khá sớm. Đó có thể là một chiến lược khá tốt hoặc làm cho cuộc sống của bạn vui hơn khi cố gắng học cách trở thành một người biết lắng nghe chủ động và luôn hào hứng khi tham gia các cuộc trò chuyện” – Pete viết trên blog cá nhân.

Anh giới thiệu một số cuốn sách tuyệt vời có thể đọc để đa dạng hóa kỹ năng như cuốn “The Magic of Thinking Big” (Sự kỳ diệu của việc nghĩ lớn) của David J. Schwartz hay cuốn “How to Win Friends & Influence People” (Làm thế nào để chiến thắng và gây ảnh hưởng tới người khác) của Dale Carnegie.

Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh rằng kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm có thể giúp bạn đạt được mức lương cao hơn trong một số lĩnh vực việc làm. Thị trường lao động sẵn sàng trả lương cao hơn để tìm kiếm những người có cả kỹ năng nhận thức lẫn kỹ năng xã hội bao gồm khả năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu, phân tích, giao tiếp, làm việc nhóm và hợp tác.

“Quan trọng hơn thế, bạn cần nuôi dưỡng sự tò mò và không sợ hãi. Hãy luôn giả định rằng bạn có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì và sửa chữa bất cứ sai lầm nào mà bạn muốn. Điều này sẽ giúp cho cuộc sống của bạn linh hoạt và ít lo lắng hơn”, Pete chia sẻ.

2. Đừng bế tắc trong những việc nhỏ

Pete và gia đình 3 thành viên của anh sống với mức chi tiêu 25.000$ mỗi năm trước khi nghỉ hưu. Họ tránh mua hàng hóa vượt ngoài nhu cầu thiết yếu và hạn chế mọi chi tiêu không cần thiết, chẳng hạn như ra ngoài ăn tối. Đến nay, anh cho biết điều hối tiếc lớn nhất trên con đường đạt được tự do tài chính của mình là đã lo lắng quá nhiều về các khoản chi tiêu nhỏ trước khi nghỉ hưu.

Pete nói rằng sau khi nghỉ hưu, anh tiếc khi phải lo lắng quá nhiều về các chi phí xây dựng hay cá dự án khác. “Sau này, tôi nhận ra rằng những thứ vặt vãnh sẽ không có vấn đề gì nhiều, miễn là bạn vẫn xây dựng được bức tranh toàn cảnh và linh hoạt điều chỉnh các mục tiêu của mình”.

Các chuyên gia tài chính cũng đưa ra lời khuyên tương tự: Hãy lập kế hoạch nghỉ hưu sớm và tạo dựng thói quen tiết kiệm như một phần của cuộc sống hàng ngày để giúp bạn có thể để tiền ra một bên và sống một cuộc đời đầy đủ sau khi nghỉ hưu.

3. Đặt việc nuôi dạy con cái lên hàng đầu

Mặc dù chỉ có một cậu con trai 11 tuổi nhưng Pete khuyến khích các bậc cha mẹ nên ưu tiên đầu tư vào con cái và nuôi dưỡng sự tò mò của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, anh cũng cảnh báo các bậc phụ huynh nên tránh xa các hoạt động ngoại khóa quá mức bởi chúng sẽ khiến cho trẻ bị căng thẳng và mệt mỏi.

“Trong trường hợp bạn có rất nhiều việc cần làm, bạn vẫn phải ưu tiên nuôi dạy con cái trước tiên. Bạn có thể không cần là người giỏi nhất trong công việc hoặc bỏ qua các sở thích cá nhân nhưng hãy là tấm gương cho con cái. Hãy tránh các hình thức cạnh tranh, con bạn không cần ghi danh vào trường top đầu danh giá hay tham gia các lớp học kỹ năng tốn hàng ngàn USD. Hãy nhớ rằng nuôi dạy con cái không phải là một cuộc thi”, kỹ sư về hưu ở tuổi 30 chia sẻ.

4. Dành tiền để làm một số việc tốt

Trên trang cá nhân của mình, Pete luôn nhấn mạnh nguyên tắc: Không cần chi tiêu quá nhiều tiền vào những dự án lớn mới có thể thay đổi thế giới. Anh từng dành tặng 100.000$ vào các quỹ từ thiện trên tinh thần “chia sẻ hiệu quả”.

“Vấn đề mà tôi đang quan tâm lớn nhất hiện nay là kế hoạch chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng khuyến khích đạp xe ngay tại thị trấn của tôi, cộng thêm kế hoạch dài hạn sang một thị trấn khác. Và tôi sẽ tiếp tục quyên góp những khoản nhỏ, nhưng có thể tạo nên sự khác biệt góp phần thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn”, Pete cho biết.

5. Đừng cố gắng “khôn” hơn thị trường

Khi được hỏi về kinh nghiệm đầu tư, Pete cho rằng chúng ta không quan tâm quá nhiều vào những biến động của thị trường, ngoại trừ thị trường bất động sản.

“Nếu có một sự sụp đổ như năm 2009 với tỷ lệ P/E thấp, tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm thêm tiền đầu tư. Chung quy lại, đó vẫn là mua và nắm giữ. Tôi đặc biệt thích bất động sản, vì vậy khi thấy một tài sản mang lại lợi nhuận cao hơn khoảng 5% kỳ vọng từ thị trường, tôi sẽ mua nó. Nhưng tôi không bao giờ bán các cổ phiếu quỹ chỉ vì đoán trước được sự sụp đổ của thị trường chứng khoán trong tương lai. Tôi nghĩ điều này sẽ khiến cho mình bị thụ động”, chàng kỹ sư trẻ cho biết.

Hà My

Theo Trí thức trẻ/Market Watch

Đọc tiếp »