Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Ông Medvedev: Mỹ cách viễn cảnh đụng độ với Nga "một bước chân"

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ này có sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm và các trực thăng quân sự Nga.

Reuters đưa tin, ngày 7/4, viết trên mạng xã hội, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố vụ không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria là bất hợp pháp và chỉ cách viễn cảnh đụng độ với quân đội Nga "một bước chân."

Giới chức Mỹ đã thông báo cho lực lượng Nga trước vụ không kích và đã tránh không bắn trúng nhân sự Nga ở căn cứ không quân Shayrat.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ này có sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm và các trực thăng quân sự Nga, một phần trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm hỗ trợ chính quyền Syria chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân khác./.

Theo PV

Vietnam+

Đọc tiếp »

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ thấp nhất 10 năm

Dù con số việc làm mới là thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, giới phân tích lại nhận định điều đó chứng tỏ mọi thứ đang quay trở lại bình thường.

Trong tháng 3, số việc làm mới trên thị trường lao động Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ. Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu chỉ báo về một con đường vững chắc hơn.

Theo báo cáo vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố tối nay (7/4), nước Mỹ có thêm 98.000 việc làm mới trong tháng 3, so với mức 219.000 của tháng 2 và cũng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 180.000 được đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,7% xuống còn 4,5%, thấp nhất kể từ tháng 5/2007.

Dù con số việc làm mới là thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, giới phân tích lại nhận định điều đó chứng tỏ mọi thứ đang quay trở lại bình thường. Thị trường lao động đã đủ khỏe mạnh để cho phép các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hồi giữa tháng và dự tính tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Còn các doanh nghiệp đang dần dần cảm thấy áp lực phải tăng lương để thu hút và giữ chân người tài.

Biên bản cuộc họp tháng 3 cho thấy các quan chức Fed nhận định nền kinh tế Mỹ "đang vận hành ở (hoặc ở gần) mức toàn dụng lao động, dù họ vẫn đang tranh cãi về mức độ trì trệ của thị trường lao động.

Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động (tức số người trong độ tuổi lao động có việc làm hoặc đang tìm việc) không thay đổi, ở mức 63%. Năm 2015, chỉ số này chạm mức 62,4% - thấp nhất kể từ những năm 1970.

Tú Anh

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Tỷ lệ ủng hộ ông Obama cao kỷ lục

Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt mức tín nhiệm kỷ lục trong nhiệm kỳ thứ hai đồng thời là mức cao nhất kể từ khi nhậm chức vào năm 2009.

Mức tín nhiệm kỷ lục nói trên là kết quả khảo sát mới nhất của CNN/ORC. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ ông Obama đạt mức 55%, thể hiện mức độ hài lòng của công chúng với các thành công của ông trong nhiệm kỳ tổng thống. Vào thời điểm này năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ ông thấp hơn 10% so với hiện tại.

Kết quả khảo sát lần này tăng 1% so với tỷ lệ ủng hộ gần đây nhất mà ông đạt được sau hội nghị của đảng Dân chủ và phá vỡ kỷ lục ông từng hai lần đạt được hồi tháng 1/2011 và tháng 1/2013, thời điểm ngay trước lễ nhậm chức tổng thống lần thứ hai.

Những người ủng hộ ông Obama trải đều trên nhiều nhóm tuổi, giới tính và vùng địa lý. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Obama lại có sự khác biệt trong các đảng phái. Trong nội bộ đảng Dân chủ, tỷ lệ này tăng 12%, lên mức 89%. Mức tín nhiệm từ các cử tri độc lập là 56%.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ mà ông nhận được từ các cử tri đảng Cộng hòa chỉ đạt 13%, tăng 2% so với kết quả khảo sát năm 2015.

Cũng theo khảo sát mới này, các cử tri da màu đóng góp 86% vào tỷ lệ ủng hộ tổng thống Mỹ đương nhiệm, không thay đổi nhiều so với thời điểm này năm ngoái.

Mức tín nhiệm ông Obama chênh lệch giữa những cử tri có trình độ học thức khác nhau. 55% người da trắng có bằng đại học nói rằng họ ủng hộ ông Obama làm tổng thống, trong khi chỉ 44% người da trắng không có bằng cấp ủng hộ việc này.

Tỷ lệ ủng hộ Obama vượt ông Ronald Reagan trong nhiệm kỳ thứ hai năm 1988 và kém hơn một chút so với mức tín nhiệm 58% của cựu tổng thống Bill Clinton vào năm 2000.

Cả ông Reagan và Clinton đều nhận được tỷ lệ ủng hộ tăng lên mức trên 60% sau khi người kế nhiệm đã lộ diện và quá trình chuyển giao quyền lực được khởi động.

Khảo sát của CNN/ORC được tiến hành qua điện thoại từ ngày 28/9 đến 2/10 với sự tham gia của 1.501 người.

Theo Mai Anh

Zing News

Đọc tiếp »

Siêu bão làm gần 300 người chết ở Haiti, Obama vội vã cảnh báo nước Mỹ

Sau khi đổ bộ hồi giữa tuần, siêu bão Matthew đã làm ít nhất 283 người thiệt mạng ở quốc đảo Haiti và tiếp tục tiến vào đất liền. Lo ngại sức mạnh của siêu bão, Tổng thống Mỹ Barack Obama vội vã ra lệnh đối phó khẩn cấp.

Chính phủ Haiti cho biết, với sức gió mạnh tới 230 km/h kết hợp với mưa xối xả, siêu bão Matthew đã khiến 283 người thiệt mạng ở Haiti. Tuy nhiên, giới chức nước này lo ngại số người chết sẽ tiếp tục tăng lên sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực vùng sâu, vùng xa bị bão lớn tàn phá và cô lập.

Bão Matthew đổ bộ vào Haiti hôm 4/10 theo giờ địa phương. Sau khi quét qua quốc đảo Caribbean nghèo khó, gây mất điện trên diện rộng và cô lập nhiều khu vực, nó tiếp tục hướng thẳng vào nước Mỹ. Khung cảnh hoang tàn lại một lần nữa xuất hiện tại Haiti, quốc gia từng bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng năm 2010 làm 230.000 người thiệt mạng.

Trước sức tàn phá kinh hoàng của bão Matthew, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở bang Florida, nơi dự kiến siêu bão đổ bộ. Quyết định này được đưa ra sau khi tổng thống Obama có cuộc điện đàm với Thống đốc bang Florida Rick Scott. Trong tình trạng khẩn cấp, hàng loạt cơ quan liên bang sẽ phối hợp hỗ trợ Florida ứng phó với siêu bão, đặc biệt là ở các hạt ven biển.

Theo truyền thông Mỹ, thống đốc Scott từng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Obama vì không ban bố tình trạng khẩn cấp khi siêu bão Hermine đổ bộ vào Florida hồi tháng trước. Chính thống đốc Scott cũng đưa ra hàng loạt cảnh báo cứng rắn về siêu bão Matthew. Thiệt hại nó gây ra ở Haiti càng khiến nước Mỹ phải đề cao cảnh giác.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Người Trung Quốc bất ngờ yêu mến bà Clinton hơn ông Trump

Trong khi có cơ quan truyền thông Mỹ gọi ông Trump là “gián điệp của Trung Quốc” thì kết quả điều tra mới nhất cho thấy tại Trung Quốc, người dân lại thích ứng cử viên đảng Dân chủ hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở Washington hôm 5/10 đã công bố kết quả điều tra mới nhất cho thấy ở Trung Quốc bà Hillary Clinton được yêu mến hơn ông Donald Trump. Cụ thể có 37% số người được hỏi nó có thiện cảm với ứng cử viên đảng Dân chủ, cao hơn 15% so với ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa và chỉ có 35% số người được hỏi không thích bà Clinton, thấp hơn 5% so với ông Trump.

Trước đó trong số ra ngày 28/3, China Press, tờ báo tiếng Trung tại Mỹ, đã gọi ông Trump là “điệp viên bí mật của Trung Quốc ở Mỹ” bởi những kế hoạch nhân vật này đề xuất và nói là để bảo vệ lợi ích của Mỹ thực chất lại chỉ tốt cho Trung Quốc. Còn đối với bà Clinton, theo ông Sean King, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Park Strategies tại New York, nếu đắc cử, bà Clinton có thể là “Obama +” ở Biển Đông và thậm chí còn cứng rắn hơn vì thế “Bắc Kinh lo sợ khi nghĩ tới bà Clinton ở Nhà Trắng”.

Kết quả điều tra nêu trên còn chỉ rõ người Trung Quốc có tình cảm phức tạp và mâu thuẫn đối với nước Mỹ. Trong khi có 52% số người được hỏi nói Mỹ là mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc, chỉ trích Mỹ bao vây Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc phát triển thì lại có 50% người Trung Quốc có cảm tình với Mỹ, đặc biệt trong lứa tuổi từ 18-34, tỉ lệ này lên tới 60%.

Kết quả điều tra mà theo AFP được tiến hành ở Trung Quốc từ 6/4-8/5/2016, đối với 3.154 người từ 18 tuổi trở lên theo hình thức phỏng vấn nêu câu hỏi cũng cho thấy 45% người Trung Quốc coi Mỹ là mối đe dọa, lớn hơn nhiều so với các vấn đề khác như kinh tế toàn cầu bất ổn định (35%), biến đổi khí hậu (34%), tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng (15%) và khủng hoảng di cư (14%).

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, có tới 75% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế hơn 10 năm trước và Trung Quốc cần tăng cường sức ảnh hưởng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran và ở Trung Đông, nhưng 56% lại cho rằng Trung Quốc nên ưu tiên giải quyết khó khăn và vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt.

Theo Hoàng Hà

Báo tin tức

Đọc tiếp »

Nhà đầu tư hãy cẩn thận, Donald Trump có thể mang "cơn địa chấn" Brexit trở lại phố Wall

Theo một số chuyên gia phân tích thị trường, xác suất Trump thắng cử sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi kỹ năng tranh luận và thậm chí những chuệch choạc vừa qua còn có thể khiến thị trường một lần nữa mắc sai lầm, giống như những gì đã diễn ra sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hồi tháng 6.

Vài phút sau khi cuộc tranh luận trực tiếp của hai ứng viên Tổng thống Mỹ kết thúc, các nhà đầu tư đã nhanh chóng quyết định rằng Donald Trump – người mà họ lo sợ sẽ mang lại bất ổn cho thị trường – đã thua cuộc trước đối thủ Hillary Clinton. Đồng peso Mexico ngay lập tức tăng giá. Ngày giao dịch hôm sau chỉ số S&P 500 tăng 0,6%.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích thị trường, xác suất Trump thắng cử sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi kỹ năng tranh luận và thậm chí những chuệch choạc vừa qua còn có thể khiến thị trường một lần nữa mắc sai lầm, giống như những gì đã diễn ra sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hồi tháng 6.

“Đây là một sự so sánh bất thường nhưng chúng tôi đang nhìn 2 sự kiện này dưới những lăng kính giống nhau”, Tina Fordam, trưởng nhóm phân tích chính trị thế giới tại Citigroup, nhận định. Sau sự kiện Brexit, có một câu hỏi mới xuất hiện: Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả những phương pháp thăm dò dư luận đều không thể hiện được những gì đang thực sự diễn ra?

Fordham nói rằng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giống với bầu cử ở một quốc gia đang phát triển hơn là những cuộc bầu cử trong quá khứ. Nỗi bất mãn với Chính phủ dâng cao, và thuyết âm mưu thì đầy rẫy.

Vincent Chaigneau, chuyên gia đến từ ngân hàng Societe Generale, cũng cho rằng dường như thị trường đang quá chủ quan. Nhà đầu tư không nhận thức được rằng khi niềm tin quá nhỏ, rủi ro bất ổn là rất lớn.

VIX – chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường – hiện ở dưới mức trung bình 5 năm. Rõ ràng là nhà đầu tư không hề lo lắng và đang tin chắc rằng bà Clinton sẽ giành chiến thắng.

Thị trường dự báo rằng trong ngày giao dịch sau khi có kết quả bầu cử, chỉ số S&P 500 sẽ biến động trong khoảng 1,6%, chưa bằng một nửa so với mức biến động sau hai cuộc bầu cử gần đây nhất.

“Hiện nay kịch bản được nhiều nghĩ đến nhất là chúng ta sẽ kết thúc với một bài diễn văn của bà Clinton và Quốc hội ở Washington bị chia đôi”, David Woo – chuyên gia ngoại hối của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nhận định. “Tôi không nghĩ rằng thị trường nhận định Trump là một thử thách lớn đối với bà Clinton”.

Woo bổ sung thêm rằng không chỉ dự đoán bà Clinton sẽ thắng, nhà đầu tư còn đang bị phân tâm bởi nhiều sự kiện khác và do đó không còn chú ý đến khả năng cuộc bầu cử năm nay sẽ đem đến kết quả bất ngờ.

Giống như các chuyên gia phân tích khác, Daivd Rothschild cũng nhận định thị trường không hiểu và không lường trước được những cú sốc phi kinh tế ập đến một cách bất ngờ. Dựa trên những dữ liệu về phản ứng của thị trường trước các sự kiện chính trị, có thể thấy khi đối mặt với những điều chưa chắc chắn, nhà đầu tư thường đặt cược vào khả năng mà họ ưa thích hơn. Do đó hầu như ai cũng trở thành kẻ thua cuộc.

Điều khiến nhà đầu tư e ngại nhất nếu Donald Trump trở thành Tổng thống nằm ở chỗ không thể đoán trước Trump sẽ đưa ra những kế hoạch không thể lường trước được cả về kinh tế và an ninh quốc gia.

Sau những gì đã xảy ra trong nhiều sự kiện gần đây, từ Brexit đến các cuộc bầu cử ở Hy Lạp và Israel, nhiều chuyên gia trên phố Wall đang tìm đến những phương pháp mới để đo lường “tâm trạng” của công chúng thay vì đơn thuần dựa vào kết quả thăm dò ý kiến như trước.

David Woo và Paul Christopher đến từ Wells Fargo cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ số liệu thăm dò ý kiến cấp bang để dự đoán kết quả bầu cử Mỹ.

Fordham thì tập trung vào thăm dò của Gallup về sức khỏe cộng đồng. Những con số cho thấy số lượng người gặp khó khăn (đo bằng tỷ lệ tự tử, trầm cảm, mắc bệnh tâm thần và nghiện ma túy) càng nhiều thì tỷ lệ ủng hộ Trump càng cao.

Trong khi đó Rothschild có thái độ lạc quan hơn khi cho rằng bầu cử Mỹ sẽ không đi theo mô hình Brexit. Brexit là một cuộc bỏ phiếu bất thường, trong khi bầu cử Mỹ là sự kiện lớn xảy ra đều đặn và các dữ liệu thăm dò được thu thập cẩn thận hơn do đó cũng đáng tin cậy hơn.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »

Tổng thống Colombia đoạt giải Nobel Hòa bình 2016

Ủy ban trao giải Nobel đã xướng tên Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho giải Nobel Hòa bình danh giá vì những đóng góp của ông cho việc đưa những cuộc xung đột đẫm máu tới gần hơn với các giải pháp hòa bình.

Ngày 7/10 tại thủ đô Oslo, Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hộ Na Uy lập ra, đã vinh danh Tổng thống Santos nhờ vai trò của ông trong tiến trình đàm phán hòa bình với lực lượng nổi dậy FARC, tạo cơ hội chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở quốc gia này. Theo thông báo chính thức từ Ủy ban Giải Nobel Na Uy, những nỗ lực của Tổng thống Santos đã góp phần quan trọng nhằm đạt được giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài 5 thập niên, làm khoảng 220.000 người chết.

Người phát ngôn Ủy ban giải Nobel Hòa bình Na Uy hy vọng, Tổng thống Santos sẽ tiếp tục tranh đấu vì hòa bình tới ngày mãn nhiệm. “Ủy ban hy vọng giải Nobel Hòa Bình sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ông Santos để kết thúc nhiệm vụ khó khăn. Ngoài ra, Ủy ban kỳ vọng trong năm tới, người dân Colombia sẽ gặt hái được thành quả từ quá trình hòa giải”, người phát ngôn Ủy ban nhấn mạnh.

Theo phía Ủy ban giải Nobel, Tổng thống Juan Manuel Santos vẫn chưa nhận được thông báo về vinh dự này. Phía ủy ban đang nỗ lực liên lạc với người đứng đầu chính phủ Colombia để thông báo nhưng chưa thành công. Ông Santos cũng không được thông báo trước về việc mình đoạt giải vì ủy ban sợ bị rò rỉ thông tin.

Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn Ủy ban giải Nobel Hòa bình cho biết, ông Timochenko, lãnh đạo FARC, không được vinh danh dù làm một phần trong thỏa thuận hòa bình mà chính phủ Colombia và phe nổi dậy đang theo đuổi. Giải thích về việc này, phía Ủy ban giải Nobel Hòa bình nhấn mạnh vai trò then chốt của Tổng thống Santos trong cả quá khứ và hiện tại để đạt được thành quả hôm nay.

Theo ban tổ chức, ông Santos được vinh danh sau khi vượt qua 228 cá nhân và 148 nhóm được đề cử. Năm 2015, giải thưởng danh giá được trao cho Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia vì nỗ lực xây dựng nền dân chủ đa nguyên ở quốc gia Bắc Phi này.

Nobel Hòa bình được coi là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel. Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm trao thưởng 5 giải Nobel bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế. Giải Nobel hòa bình do Ủy ban trao giải của Quốc hội Na Uy chọn ra. Dù danh giá nhưng giải thưởng này thường gây nhiều tranh cãi.

Kể từ năm 1901 tới năm 2015, có 96 giải Nobel hòa bình được trao. 16 phụ nữ vinh dự nhân giải thưởng danh giá này trong đó Malala Yousafzai, 17 tuổi, là người trẻ nhất được vinh danh. Độ tuổi trung bình của chủ nhân giải Nobel là 62. Hiện tại, vẫn có 3 người nhận giải khi đang ngồi tù vì bất đồng chính kiến tại một số quốc gia.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »