Nếu coi Alibaba là một bộ phim, Jack Ma sẽ là diễn viên chính và giám đốc, còn Tsai là nhà sản xuất.
4h30 phút sáng một ngày tháng 8 năm 2014 tại Hong Kong, Joseph Tsai cùng với 3 lãnh đạo khác của tập đoàn Alibaba vẫn đang ngồi họp cùng nhau. Khi thị trường chứng khoán Mỹ vừa đóng cửa cũng là lúc họ cần phải gửi đi hồ sơ dài 340 trang xin IPO của công ty.
Trong khi chủ tịch Jack Ma là nhà sáng lập, đưa ra tầm nhìn cho Alibaba thì phó chủ tịch Tsai là người luôn thức tới 4h30 phút sáng mỗi ngày để thực hiện, biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Vị lãnh đạo cấp cao này có bằng tốt nghiệp đại học Yale và là cựu luật sư tại tập đoàn Sullivan & Cromwell hiện phụ trách việc kinh doanh trên toàn cầu của Alibaba.
“Alibaba không bao giờ được như ngày hôm nay nếu không có Joe Tsai”, theo Porter Erisman – người làm việc trong phòng Quảng cáo và truyền thông của Alibaba ngay từ những ngày đầu. “Joe hiện là người nắm quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh trên toàn cầu cho toàn tập đoàn”.
Tsai sinh ra tại Đài Loan, hơn 50 tuổi, đến Mỹ vào năm 1977 và theo học tại trường Lawrenceville ở New Jersey và sau đó là Đại học Yale.
Alibaba không có ngày hôm nay nếu thiếu Tsai
Tsai đã biến Alibaba thành một tập đoàn kinh doanh toàn cầu, người đứng đằng sau rất nhiều thỏa thuận cho những vòng huy động vốn đầu tiên của công ty bao gồm cả 20 triệu USD từ SoftBank Corp. Ông cũng chính là tác giả của hàng tá thỏa thuận về các thương vụ mua lại, trung bình 2 thỏa thuận mỗi tháng trong chỉ 1 năm. Tsai cũng chính là người thu hút các nhà đầu tư đến với Alibaba trong thương vụ IPO trị giá 1,69 tỷ USD tại Hong Kong vào năm 2007.
Tsai là người sắp xếp nhiều vấn đề trước thềm thương vụ IPO trên sàn New York cho tập đoàn. Ông cũng là người ủng hộ mô hình quản lý dựa trên sự hợp tác.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm luật sư, Tsai tốt nghiệp Đại học Luật Yale vào năm 1990 và sau đó làm việc tại Sullivan & Cromwell, New York. Sau 3 năm, ông đã chuyển qua một quỹ tư nhân, tìm vị trí giúp ông có thể đưa ra được các quyết định, thay vì chỉ tư vấn cho khách hàng. Ông làm việc cho một công ty nhỏ tại New York và sau đó tới Hong Kong làm việc tại Investor AB.
Thời gian làm việc tại Investor AB chính là lúc ông gặp Jack Ma, vào năm 1999 tại Hàng Châu, Trung Quốc thông qua sự giới thiệu của một người bạn. Tsai đã bị ấn tượng ngay từ đầu bởi những ý tưởng của Jack Ma về việc tạo nên Alibaba – một nền tảng thương mại điện tử toàn cầu cũng như về cả tính cách con người Jack Ma.
1 năm sau, Tsai đã thực hiện chuyến thăm thứ 2 tới thành phố này, đưa cả vợ ông là Clara đang mang thai đứa con đầu lòng để thuyết phục cô rằng quyết định của ông là đúng đắn. Lần đó, Tsai đã cùng chèo thuyền thưởng ngoạn với Jack Ma để thảo luận về những kế hoạch trong tương lai cho Alibaba.
Từ bỏ mức lương 700.000 USD về làm việc không công cho Alibaba
Tsai đã từ bỏ công việc với mức lương 700.000 USD một năm tại Investor AB để về làm việc không công cho Alibaba. Jack Ma khi ấy đã đề nghị trả mức lương 600 USD một năm cho Tsai – 1 trong 18 đồng sáng lập của Alibaba – người có bằng tốt nghiệp loại ưu từ Mỹ.
Tsai nắm vị trí CFO của Alibaba trong hơn 10 năm trước khi trở thành Phó chủ tịch Alibaba vào năm 2013, phụ trách việc phát triển toàn cầu của công ty. Ông đã dẫn đầu thương vụ mua lại cổ phần Yahoo! Thông qua một thương vụ trị giá 7,6 tỷ USD vào năm 2012.
Eric Jackson là một nhà đầu tư vào năm 2007 đã nhắm tới Yahoo – khi ấy có 40% cổ phần tại Alibaba. Theo đó, ông đã tổ chức cuộc họp vào tháng 12/2010 với Tsai tại Hong Kong kéo dài 90 phút.
“Đó là những giây phút giúp tôi hoàn toàn mở mang tầm mắt”, Jackson – sáng lập quỹ Ironfire Capital LLC nói. “Tôi cực kỳ bị ấn tượng với Tsai đến mức khi rời cuộc họp phải thốt lên rằng nhất định phải quay lại và mua cổ phần Yahoo. Không ai ở Mỹ biết được rằng Yahoo đang có 40% cổ phần tại công ty có nhiều khả năng trở thành một trong những đế chế Internet khổng lồ”.
Giám đốc sản xuất của Alibaba
Alibaba không phải luôn luôn nhận được sự yêu mến của các cổ đông. Trong năm 2011, công ty đã chịu không ít phàn nàn từ Yahoo và Softbank sau khi chuyển giao quyền sở hữu Alipay cho một công ty thuộc quyền kiểm soát của Jack Ma – một động thái mà Yahoo nói rằng họ không hề biết cho tới một vài tháng sau đó.
Và chính Tsai là người phụ trách đàm phán với Yahoo và Softbank để giúp mọi việc ổn thỏa sau đó.
Nếu coi Alibaba là một bộ phim, Jack Ma sẽ là diễn viên chính và giám đốc còn Tsai là nhà sản xuất. Trong khi Jack Ma nghĩ ra vô số ý tưởng thú vị và liên quan tới công việc kinh doanh thì Tsai lại được biết đến là người thực hiện, biến những điều đó thành hiện thực. Hầu hết những người biết Tsai đều mô tả ông là một nhân vật chủ chốt, trọng yếu nhưng lại vô cùng khiêm tốn của Alibaba.
Theo Jim Rogers - chủ tịch một công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore thì: “Có lẽ họ hợp tác thành công được là bởi họ là những người khác biệt. Là một đội, mỗi người đã thực hiện được những công việc tuyệt vời”.
Trong khi Jack Ma điều hành hoạt động của Alibaba từ Hàng Châu thì Tsai lại chỉ đạo từ Hong Kong. Ông tới Hàng Châu 3 tuần 1 lần và 2 người trò chuyện qua điện thoại mỗi ngày.
Có thể nói, Tsai chính là minh chứng hùng hồn cho quan điểm lãnh đạo của Jack Ma. Ông nói rằng một lãnh đạo giỏi chưa chắc đã là cốt cán công nghệ hoặc tinh thông nghiệp vụ: “Người thông minh cần một lãnh đạo ngốc. Khi đội ngũ toàn là những nhà khoa học thì để nông dân làm lãnh đạo là phù hợp nhất, vì phương hướng tư duy không giống nhau, cách nhìn nhận vấn đề từ những góc độ khác nhau sẽ đem lại thành công”.
Theo Vân Đàm
Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét